Đà Nẵng xử lý như thế nào đối với “đất của mấy ổng”?
Phần lớn chủ các dự án “ngâm” là đối tượng đầu cơ đất
Sáng 1/4, ông Phó Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở TN-MT về chương trình thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” của Sở này. Tại đây nổi lên một trong những vấn đề rất nóng đối với TP thời gian qua. Đó là rà soát quỹ đất ngoài khu công nghiệp để đáp ứng mặt bằng cho doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng đất cho sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương tại buổi làm việc sáng 1/4 (Ảnh: HC) |
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho hay, qua rà soát đã đề nghị thu hồi, đưa vào quản lý 131 lô đất trống với tổng diện tích tương đương 116ha (đã có mặt bằng). Ngoài ra, có 38 lô đất trống đã có mặt bằng và hạ tầng trên địa bàn quận Sơn Trà; 68 lô đất trống (chưa có mặt bằng) trên đường Võ Văn Kiệt và đường Hoàng Sa đang lập thủ tục đề nghị UBND TP Đà Nẵng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý.
Đặc biệt qua kiểm tra, rà soát cho thấy có 125 khu đất dự án (trong đó có 22 lô giao cho cá nhân). Ngoài các dự án đã triển khai, hiện có 92 dự án đang dở dang. Đặc biệt Sở TN-MT Đà Nẵng đề nghị UBND TP thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý để đấu giá, kêu gọi đầu tư đối với 21 dự án (tổng diện tích 201,6ha) đã được UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định cho thuê đất nhưng để kéo dài, không triển khai.
Ông Nguyễn Điểu cho hay, qua rà soát, phần lớn chủ các dự án “ngâm” lâu năm là các đối tượng đầu cơ đất để chờ cơ hội bán kiếm lời chứ không phải là những nhà đầu tư thực sự. Từ đó đã gây ra những hạn chế không nhỏ đối với tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng. Thậm chí có những dự án dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất song hoàn toàn… không có dự án, không có năng lực tài chính.
Ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh: “Nếu các dự án dọc tuyến ven biển được triển khai theo đúng quy hoạch và lộ trình thì chúng ta sẽ tạo được vệt cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ rất hoàng tráng, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa mạnh hơn nữa cũng như phát triển kinh tế du lịch của TP. Tuy nhiên qua rà soát thì chỉ có hơn 20% dự án thực sự đầu tư, còn lại là những khu đất trống nhếch nhác, hết sức phản cảm xen giữa các dự án đã triển khai!”.
Qua chỉ đạo công tác rà soát quỹ đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương nêu một thực tế: “Thậm chí có DN xin chuyển quyền sử dụng đất, mới nộp có mấy tỉ bạc, còn nợ mấy chục tỉ nhưng đã bán tới lần thứ ba rồi. Tức là ổng lấy quỹ đất của TP đem đi bán sang tay, thuế cũng thất thu mà không ai quản lý được”.
Ông Nguyễn Điểu: "Có những dự án "ngâm" khi chúng tôi mời lên làm việc thì họ phớt lờ, nói đó không phải đất của họ mà là "của mấy ổng"". (Ảnh: HC) |
Thế lực nào chống lưng mà kinh thế?
Theo ông Nguyễn Điểu, đối với các DN có dự án nhưng chưa đưa vào sử dụng đất, Sở TN-MT đã có văn bản yêu cầu cam kết tiến độ, kế hoạch đầu tư xây dựng, chậm nhất cuối năm 2014 phải triển khai. Đồng thời Sở TN-MT đã mời một số DN đến làm việc trực tiếp, yêu cầu giải trình cụ thể về kế hoạch triển khai dự án và ký biên bản cam kết thời hạn đầu tư. “Trường hợp không triển khai, Sở TN-MT sẽ tham mưu cho UBND TP quyết định thu hồi dự án” – ông Nguyễn Điểu nói.
Tuy nhiên vấn đề hoàn toàn không đơn giản, bởi như ông Nguyễn Điểu cho biết, trước đây có không ít DN được chính quyền TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh với thời hạn lâu dài (mặc dù luật quy định chỉ 50 năm, tối đa là 70 năm). Nay các DN này vin vào cớ đó để kéo dài thời hạn triển khai dự án, thậm chí có người cho rằng đất đã được bán cho họ, họ đã trả tiền đầy đủ nên muốn làm gì thì làm!
“Đặc biệt, khi Sở TN-MT Đà Nẵng mời các DN có dự án “ngâm” lâu năm lên làm việc để thúc đẩy tiến độ triển khai thì có một số DN hoàn toàn phớt lờ. Chúng tôi gửi giấy mời, gọi điện mấy lần nhưng họ vẫn không tới. Hỏi thì họ trả lời đó không phải đất của họ mà là đất "của mấy ổng"...” – ông Nguyễn Điểu cho biết.
Theo ông Võ Duy Khương, trong lĩnh vực đất đai, có những cái trước đây chính quyền Đà Nẵng làm không đúng, như chiều theo ý muốn của DN để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lâu dài đối với đất sản xuất kinh doanh. “Luật đã quy định rồi, đất sản xuất kinh doanh chỉ cấp 50 năm thôi, những nơi đặc biệt mới cấp 70 năm. Cớ chi anh cứ đòi cấp lâu dài? Như thế Đà Nẵng là một Chính phủ riêng à? Cái đó là mình sai, bản thân DN cũng sai thì phải khắc phục, làm đúng theo quy định của luật!” – ông Võ Duy Khương nói.
Ông nêu rõ, trong thời gian qua, Sở TN-MT cũng như UBND TP Đà Nẵng đã tập trung xử lý nhiều vướng mắc về đất đai cho các DN có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ vậy, chỉ số tiếp cận đất đai đã tăng nhảy vọt từ thứ 55 (năm 2012, với 5,67 điểm) lên thứ 3 (với 7,98 điểm), góp phần quan trọng giúp TP trở lại ngôi đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013.
Nhưng với thái độ của những người xưng “đất này là của mấy ổng”, ông Võ Duy Khương nói thẳng: “Tôi nghe anh em nói thì những người ni có vẻ họ giống như là người bất khả xâm phạm, không có ai đụng tới họ được. Không biết thế lực nào chống lưng mà kinh thế? Còn luật pháp nữa chứ!”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương: "Sau khi thu hồi các dự án "ngâm" sẽ tiến hành đấu giá công khai cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu!" (Ảnh: HC) |
Đà Nẵng xử lý như thế nào?
Ông Võ Duy Khương yêu cầu: “Với những trường hợp đó, về phía Sở thì phải làm đúng, cứ mỗi lần mời không đến là lập biên bản. Gửi giấy mời không đến, gọi điện thoại, trả lời thế nào thì ghi vô biên bản. Anh nói đất này không phải của anh thì mời ký vô biên bản, còn anh nói đất của ai thì ghi vô. Tôi đề nghị anh Điểu trực tiếp ra tay làm cái này. Cứ ba lần như thế, anh báo cáo lên cho Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Anh làm ba lần mà không được thì Ủy ban làm chứ không thể để kéo dài thế này!”.
Rồi ông nhấn mạnh thêm: “Sống phải có luật pháp chứ. Có ông trời xuống đây cũng phải rứa thôi! Mời anh bao nhiêu lần không tới, còn nói như thế sao được? Còn không thì cưỡng chế luôn. Báo cáo với Thành ủy những trường hợp như thế. Bữa trước anh Thọ (ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) đã cho ý kiến rồi, tiếp tục mời đến, yêu cầu báo cáo cụ thể tiến độ triển khai. Gia hạn cho họ đến hết năm 2014, qua quý 1/2015 không triển khai là “xử”. Nhưng từ nay đến cuối năm 2014 “xử” trước 3 trường hợp “cứng đầu” nhất. Các anh xem xét, đề xuất 3 trường hợp này đi!”.
Bên cạnh đó, ông Võ Duy Khương cũng nêu rõ nguyên tắc sau khi thu hồi dự án “ngâm” nhiều năm không triển khai sẽ tiến hành đấu giá công khai cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư. Sau khi thu tiền đấu giá sẽ trả lại cho DN có dự án bị thu hồi, đồng thời có xem xét hỗ trợ. “Đất có nhà đầu tư rồi mà không làm, công khai lên phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ có người đăng ký!” – ông Võ Duy Khương tin tưởng.
Ngoài ra, ông yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát lại thời hạn cho thuê đất, trước hết là đối với các DN trong nước nhằm đảm bảo thời gian, phù hợp tính chất, quy mô của từng dự án. Qua đó, với những DN giữ đất nhiều quá nhưng không sử dụng hết thì cũng phải thu hồi bớt lại. Số trường hợp này, theo ông Võ Duy Khương là “quá nhiều chứ không phải đơn giản, có những DN thuê đất nhà nước, chưa nộp tiền hàng năm nhưng đã đem cho thuê lại rồi”!
Để khắc phục tình trạng này, ông Võ Duy Khương yêu cầu Sở TN-MT công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời bày tỏ sự hoan nghênh đối với đề xuất của Sở về việc xây dựng hệ thống thông tin về đất đai nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn TP; xây dựng, công bố theo định kỳ danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ công hỗ trợ DN.
“Làm được cái này trên website của Sở là rất hoan nghênh. Khi công khai hóa thì lợi ích nhóm sẽ giảm xuống. Trong các tiêu cực thì tiêu cực về đất đai là lớn nhất vì qua rất nhiều cửa. Vì vậy tôi đề nghị Sở triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, cố gắng trong năm đầu cập nhật các biến động 6 tháng/lần, sau đó tiến tới cập nhật hàng quý. Nhà đầu tư vào hệ thống này sẽ đỡ phải chạy lòng vòng, chỉ cần bật máy lên là tìm được khoảng 70% thông tin về khu đất phù hợp với nhu cầu đầu tư.của họ, 30% còn lại thì trực tiếp liên hệ với Sở” – ông Võ Duy Khương nói.