Đà Nẵng sẽ khôi phục, tôn tạo thành Điện Hải như thế nào?
Thành Điện Hải đã gần 200 tuổi
Như tin đã đưa, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ nay đến tháng 6/2017, Đà Nẵng sẽ hoàn thành việc đền bù, giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư, tháng 9 khởi công giai đoạn 1 dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải” để đến 2018 “nhìn thấy hình hài di tích quốc gia thành Điện Hải được trả lại trọn vẹn, đầy đủ” .
Thành Điện Hải trên bưu thiếp thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu) |
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho hay, tuyệt đại đa số người dân ở khu vực thành Điện Hải ủng hộ chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích này. “Bà con thấy việc sinh sống lấn chiếm một di tích quốc gia quan trọng, ý nghĩa của Thành phố và cả nước là không nên. Vì vậy bà con cũng muốn chuyển đến an cư ở một nơi khác để nơi đây trở thành một công trình tưởng niệm những anh hùng nghĩa sĩ, những đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc” – ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, do vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của Đà Nẵng nên các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... rất chú trọng bảo vệ. Do lẽ, nếu các thế lực ngoại xâm chiếm được Đà Nẵng thì kinh đô Huế cũng sẽ dễ dàng bị thất thủ. Triều đình Huế quyết giữ Đà Nẵng, còn đối phương cũng quyết lấy cho được nơi này.
Theo các tư liệu lịch sử, thành Điện Hải ban đầu có tên là đài Điện Hải, được đắp ở tả ngạn sông Hàn nhằm kiểm soát tàu thuyền, trấn giữ cửa biển Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ tư (1823), đài được dời vào chỗ di tích hiện nay với thành cao hào sâu, mở 3 cửa, dựng một kỳ đài và 30 pháo đài. Năm Minh Mạng thứ mười lăm (1835), đài được đổi tên thành thành Điện Hải. Đến năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), thành được xây dựng lại theo kiểu thành vauban châu Âu, lưu dấu tích cho đến ngày nay.
“Chỉ còn 6 năm nữa là thành Điện Hải tròn 200 tuổi. Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Lúc bấy giờ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng có 3 thành. Gồm thành Điện Hải ở bờ Tây sông Hàn, đối diện phía bên kia sông là thành An Hải và phía Liên Chiểu có thành Định Hải. Một trong những mục tiêu đầu tiên của liên quân Pháp – Tây Ban Nha là phải chiếm cho được thành Điện Hải!” – ông Huỳnh Văn Hùng cho hay.
"Bàn thờ" của TP Đà Nẵng?
Tại thành Điện Hải đã diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt của quân, dân Đà Nẵng và triều đình nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng nhiều vị tướng khác. Đây là thành trì cuối cùng của quân, dân Đà Nẵng trong chiến thuật cầm chân và gây thiệt hại cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở trận đầu “chạm trán” với tàu đồng đạn sắt của phương Tây đầu tháng 9/1858.
Các nhà nghiên cứu lịch sử của Pháp nói rằng, suốt mấy chục năm mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, họ chỉ thua một trận duy nhất. Đó là thua ở Đà Nẵng. Họ đánh suốt từ ngày 1/9/1858 cho đến tháng 3/1859 thì rút khỏi Đà Nẵng, bỏ lại “một tháp hài cốt chứa nghìn thánh giá” trên bán đảo Sơn Trà và không bao giờ trở lại đây bằng giải pháp quân sự. Thành Điện Hải chính là dấu vết quá khứ còn lưu lại sau trận thắng duy nhất của quân dân cả nước ta trong buổi đầu đánh Pháp!” – ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh.
Để có được chiến thắng vẻ vang đó, quân dân Đà Nẵng đã phải trả những cái giá vô cùng đắt. Tại quận Hải Châu có một nghĩa trùng (nghĩa trang) quy tập là nghĩa trùng Phước Ninh, chôn cất 1.500 hài cốt của các nghĩa sĩ, đồng bào đã hy sinh bảo vệ thành Điện Hải; Nghĩa trủng Hòa Vang cũng quy tập, chôn cất khoảng 1.000 hài cốt. Ngoài ra còn có rải rác ở nhiều nơi khác nữa.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng phát biểu trong buổi công bố quy hoạch Khu di tích Thành Điện Hải (Ảnh: HC) |
“Theo các nhà nghiên cứu, trong cuộc chiến đấu đó, có khoảng 5.300 ngôi mộ của quân, dân ta được quy tập. Ngay tại thành Điện Hải, biết bao máu xương đã đổ xuống. Thời đó, với sự chỉ đạo của triều đình nhà Nguyễn và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân, dân nhưng vũ khí thì rất thô sơ, nên hy sinh rất nhiều. Vì vậy mà máu xương ở khu vực thành Điện Hải này rất lớn. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có nói một ý mà tôi rất tâm đắc. Đó là: “Chúng ta phải coi thành Điện Hải giống như bàn thờ của TP Đà Nẵng!”.
Rất tiếc trong thời gian dài, di tích quốc gia thành Điện Hải chẳng những không được coi trọng mà còn bị xâm hại nặng nề. Không chỉ người dân và cả một số cơ quan nhà nước cũng xâm hại di tích ở cả vùng bảo vệ II lẫn vùng bảo vệ I. “Điều này làm cho những người nặng lòng với di sản của cha ông để lại cảm thấy xót xa, đau lòng” – ông Huỳnh Văn Hùng bùi ngùi.
Thành Điện Hải sẽ được khôi phục như thế nào?
Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải” được Sở VH-TT Đà Nẵng phối hợp cùng các cơ quan hữu quan có kế hoạch trùng tu từ nay đến năm 2020 để đưa nơi đây trở thành một di tích khang trang, bề thế đúng với những gì vốn có.
“Trong giai đoạn 1, chúng tôi sẽ khôi phục lại nguyên trạng toàn bộ tường thành, nạo vét hào rãnh, cho nước vào, thả sen... với tiêu chí sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trả lại nguyên vẹn hào và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan khu di tích với tổng mức đầu tư khoảng 98 tỉ đồng (trong đó chi phí đền bù khoảng 67 tỉ, chi phí xây dựng 18 tỉ và các chi phí khác)!” – ông Huỳnh Văn Hùng cho hay.
Trong giai đoạn 2 sẽ mời các nhà nghiên cứu, các học giả, chuyên gia đầu ngành về bảo tồn, bảo tàng trong và ngoài nước tư vấn cho việc khôi phục lại các hạng mục công trình bên trong thành Điện Hải. Ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: “Trước đây thành Điện Hải có những cái gì, trên thành có bao nhiêu ụ súng thần công, kỳ đài, kho lương, kho đạn, hành cung... đặt ở đâu thì chúng tôi sẽ tìm lại các tư liệu lịch sử của cả bên ta lẫn bên Pháp đang giữ để đảm bảo việc trùng tu, tôn tạo đạt được hiệu quả cao nhất!”.
Gần 160 năm đã trôi qua sau trận chiến 1858 – 1859, dấu tích các thành lũy đã mai một, chỉ còn mỗi thành Điện Hải nhờ được xây dựng kiên cố nên còn lưu dấu đến giờ cùng với 11 cỗ súng thần công trong tổng số “107 cỗ, chia đặt ở đài Điện Hải” vào năm Minh Mạng thứ tư theo ghi chép của sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Quyển 254, trang 287 - 288). Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ VH-TT-DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bộ sưu tập súng thần công hiện được Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ là bảo vật quốc gia.
“Bên trong thành, chúng tôi đề nghị phục dựng lại một số công trình thiết yếu khi xưa như nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công... Cùng với đó, đề án cũng tính đến việc phục dựng cảnh sinh hoạt ở thành Điện Hải xưa như tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu của quan quân nội thành trong trang phục đương thời” – ông Huỳnh Văn Hùng cho hay.
Theo ông, hiện có rất nhiều tư liệu về thành Điện Hải đang được lưu giữ ở Viễn Đông Bác Cổ (Pháp). Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được một bản đồ chiến sự 1858 – 1859 do một vị quan triều Nguyễn vẽ. Khi quân Pháp tấn công vào đã thu được bản đồ đó, và hiện bản gốc của tấm bản đồ đang được lưu giữ ở Pháp, còn bản sao thì Bảo tàng Đà Nẵng đang có.
“Chúng tôi sẽ căn cứ các tư liệu chính xác của bên ta cũng như bên Pháp đang giữ để từng bước khôi phục di tích và các công trình bên trong thành Điện Hải. Từ đó phục vụ các nhà nghiên cứu, khách tham quan và đặc biệt là các thế hệ mai sau về lịch sử hào hùng của TP Đà Nẵng. Tôi hy vọng với sự ủng hộ của bà con trong khu vực di tích, 3 – 4 năm nữa thành Điện Hải sẽ trở thành một nơi vừa để tưởng niệm những anh hùng nghĩa sĩ đã xả thân vì nước, vừa là một điểm tham quan, nghiên cứu rất hấp dẫn, thú vị cho người dân, du khách trong nước và quốc tế!” – ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh.