Đà Nẵng: Rà soát các tiểu đề án dịch vụ không thực tế
Theo Ban chỉ đạo Đề án, qua hai năm triển khai thực hiện đã có những tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của Đà Nẵng. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong tổng GDP của TP và tăng dần qua các năm. Nếu năm 2011, GDP ngành dịch vụ chiếm 51,68% tổng GPD toàn TP Đà Nẵng thì năm 2012 chiếm 52,42% và năm 2013 chiếm 53,53%.
Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13/3 (Ảnh: HC) |
Kể từ sau năm 2010, kinh tế Đà Nẵng phát triển theo hướng tăng tỉ trọng dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp, dẫn đến tỉ lệ lao động trong khu vực dịch vụ tăng liên tục. Thu nhập bình quân của người lao động trong các ngành dịch vụ cũng tăng và cao hơn thu nhập của các ngành khác (bình quân năm 2011 – 2012 đạt 3,5 triệu đồng, năm 2013 đạt 3,8 triệu đồng).
Báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án còn cho hay, bên cạnh thương mại hàng hóa thì thương mại dịch vụ cũng có những đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của TP. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ chiếm 26,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn TP (đạt 360 triệu USD/1,37 tỉ USD)…
Được biết, Đề án “Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” có tổng cộng 34 tiểu đề án, đến nay đã triển khai 21 đề án.
Tuy nhiên theo bà Bùi Diệu Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng thì UBND TP Đà Nẵng nên rà soát lại các chương trình đã được phê duyệt thuộc đề án này.
“Chúng ta nên chọn cho năm 2014 những tiểu đề án gắn liền với “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” để có sự tập trung cao nhất. Tôi nghĩ trong một năm chúng ta tập trung được cho 2 – 3 tiểu đề án là đã quá tuyệt vời, chứ nếu dàn trải thì chúng ta không thể nào làm hết cùng lúc được” – bà Bùi Diệu Thanh nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo đề án cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ thì vẫn còn có những chương trình, tiểu đề án triển khai chưa hiệu quả, “khi triển khai thì chỉ mới một mình ta chơi một sân, chưa đến với cộng đồng doanh nghiệp”.
Do đó, ông giao Sở KH-ĐT phối hợp với các sở, ngành hữu quan “kiểm tra, rà soát lại các tiểu đề án, nếu không thực tế trong xu thế hiện nay thì chuyển đổi hoặc có sự điều chỉnh cho phù hợp, phải làm sao để các tiểu đề án khi triển khai phải đi vào thực tế cuộc sống; đồng thời các tiểu đề án phải lồng ghép cho được các chương trình hành động của “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” mà lãnh đạo TP đã ban hành chứ không tách rời”.