Đà Nẵng: Chiều 30 Tết, cắt trụi cả trăm cây mai chứ không bán rẻ!
Chiều 30 Tết, Chợ hoa Xuân Mậu Tuất 2018 ở Quảng trường 29/3 trên đường 2/9 (Đà Nẵng) vẫn nườm nượp khách đến thưởng ngoạn và mua hoa. Các loại hoa lan, cúc, dừa cạn, đỗ quyên… vẫn tiếp tục bán khá chạy nên vẫn giữ nguyên giá của mấy ngày trước đó hoặc chỉ giảm vài chục ngàn/chậu với các chậu hoa đã… giảm sắc hoặc nở quá nhiều.
Chiều 30 Tết, tại Chơ hoa xuân Đà Nẵng Mậu Tuất 2018, các gian bán hoa dừa cạn, đỗ quyên... vẫn rất đông người mua |
Trong khi đó, tại các khu vực bán mai lại diễn ra cảnh tượng rất khác. Người đến xem, lựa chọn, hỏi giá mai vẫn khá đông nhưng chỉ lác đác vài người thực sự mua. Thậm chí có nhiều lô bán mai hầu như còn nguyên số mai đã chở đến từ những ngày đầu hoặc chỉ tiêu thụ được một lượng không đáng kể.
Không chỉ những người trồng mai tại địa phương mà đưa mai đến tham gia các chợ hoa xuân ở Đà Nẵng còn có nhiều nhà vườn ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai… Tuy nhiên năm nay khá nhiều chủ mai “than thở” vì lượng mai bán ra không được như mọi năm, sức mua khá thấp.
Các gian hàng bán mai vẫn có khá đông khách đến thưởng ngoạn, hỏi giá... |
Nhưng chỉ lác đác có người mua mai chở về |
Họ cho biết, người chơi mai Tết ở Đà Nẵng khá kỹ tính trong việc chọn mai. Để thuyết phục được họ chọn mua một chậu mai nhiều khi phải nói “khô cả cổ”. Nhưng điều đó không khiến các nhà vườn “phiền lòng” bằng việc có nhiều người chơi mai ở Đà Nẵng dù đã rất thích song vẫn đợi đến chiều, tối 30 Tết cho mai “đại hạ giá” rồi mới mua.
“Khách Đà Nẵng kỹ tính đến mấy bọn tôi cũng chìu, nhưng không thể chìu theo mấy người cứ chờ đến phút tận cùng rồi trả giá mai rẻ mạt!” – anh Nghiêm, chủ lô mai ở góc đường 30/4 – Núi Thành nói. Anh cho biết, trong số gần 300 cây mai anh chở từ Tuy Phước (Bình Định) ra chợ hoa xuân Đà Nẵng năm nay vẫn còn gần 100 cây chưa bán được.
Tại lô bán mai của anh Nghiêm (ở Tuy Phước, Bình Định) cũng có nhiều khách đến hỏi mai nhưng trả giá quá thấp, cây mai giá 1,6 triệu mà chỉ trả giá còn... 600 ngàn đồng! |
Suốt cả buổi, mới có người chịu trả tới cái giá mà anh Nghiêm chấp nhận bán... |
để mua một cây mai |
Mặc dù vậy, anh vẫn nhất quyết giữ nguyên giá từ 1,5 – 3 triệu đồng/cây mai chứ không bán rẻ. Mọi năm, đến tối 30 Tết, anh vẫn cắt hết cành lá, chỉ giữ lại than, gốc mai chở về quê tiếp tục trồng cho mùa Tết năm sau. Nhưng lần này thì dù chỉ mới 3 – 4g chiều 30 Tết, trước sự sững sờ của nhiều người, anh vẫn tự tay cắt trụi hàng loạt cây mai, rồi sai thợ vườn của mình đổ chậu, chở gốc mai về quê.
“Không chỉ tôi đâu mà nhiều anh em khác ở Bình Định, Phú Yên mấy năm trước ra Đà Nẵng bán mai, tới phút cuối cũng bán rẻ nhưng sau đó về cứ thấy tiếc. Lần này thì nhất quyết chở gốc về trồng lại chớ không bán rẻ nữa. Còn gần cả trăm cây mai chưa bán được, tôi sẽ cắt trụi hết, chở về quê để giữ giá, giữ thương hiệu mai của mình chớ không bán phá giá như mọi năm nữa. Mình phải làm chủ mai của mình chớ không để bị người mua ép giá!” – anh Nghiêm nói.
Mặc dù mới 3 - 4h chiều 30 Tết... |
Nhưng anh Nghiêm vẫn quyết định cắt trụi cành, lá của hàng loạt cây mai... |
Sai thợ vườn của mình đổ đất, thu hồi chậu |
Tập kết các gốc mai về một chỗ... |
Đập bớt đất ở gốc cho nhẹ cây... |
Rồi dồn lại thành cả đống gốc mai trơ trụi... |
Trước sự ngỡ ngàng của nhiều người |
Nhìn cảnh gian hàng mai tan hoang dù mới chiều 30 Tết... |
Mới thấu hiểu nỗi lòng của những người trồng mai như anh Nghiêm! |