Cuộc chiến phòng, chống rửa tiền không tiếng súng
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) hoan nghênh những tiến triển đáng kể của Việt Nam trong việc tăng cường cơ chế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. FATF cũng ghi nhận Việt Nam đã thiết lập được khung pháp lý và cơ chế quản lý nhằm hoàn thành được những cam kết theo kế hoạch hành động giải quyết các thiếu hụt nghiêm trọng mà FATF xác định vào năm 2010.
Với quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam cam kết với FATF, Việt Nam đã ra khỏi quy trình rà soát của FATF sau 5 năm nằm trong quy trình rà soát của tổ chức này.
Việt Nam đã không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) nhằm giải quyết toàn diện các thiếu hụt về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương của mình.
Như vậy, với quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam cam kết với FATF, Việt Nam đã ra khỏi quy trình rà soát của FATF sau gần 4 năm nằm trong quy trình rà soát của tổ chức này.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) đánh giá, việc Việt Nam được đưa ra khỏi Quy trình rà soát của ICRG/FATF có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực đối với các vấn đề chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy đã ra khỏi Quy trình rà soát của FATF nhưng theo ông Ngọc, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục kiểm soát tốt hơn. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm phòng, chống tội phạm rửa tiền, đặc biệt là tội phạm rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng như quy định mức giá trị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo.
Hay như quy định về việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh: cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.
Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN Việt Nam đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, NHNN đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Do đây là loại hình tội phạm tương đối mới ở Việt Nam, nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử; trong khi đó loại tội phạm này thường dùng những phương thức, thủ đoạn, công nghệ hết sức tinh vi, phức tạp...
Ngay như trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức và có hành vi che giấu, chuyển tiền bất hợp pháp được đưa ra xét xử thời gian qua, hai đối tượng Hùng Mỹ Phương và Nguyễn Thiên Lý ban đầu bị khởi tố về tội danh rửa tiền do có nguồn tiền không hợp pháp cho Huyền Như vay lãi suất cao. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị chuyển đổi tội danh để xử lý hai đối tượng này với tội cho vay nặng lãi.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng; tăng cường sự ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã ký Bản ghi nhớ trao đổi thông tin về rửa tiền và tài trợ khủng bố (MOU) với một số tổ chức trong và ngoài nước. Riêng đối với các tổ chức nước ngoài, NHNN đã ký kết MOU với 7 đơn vị tình báo tài chính nước ngoài (FIU), gồm: Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.