Cục Chăn nuôi lo sắp không còn thịt lợn để ăn
Tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, hiện dịch đã lan tới 44 tỉnh thành phố, tiêu hủy hơn 2 triệu con lợn. Đáng nói, có khả năng dịch sẽ lan hết cả nước, tới 63 tỉnh thành.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, nếu không khẩn cấp tổ chức giết mổ, cấp đông để dự trữ thì vài tháng nữa chẳng còn thịt lợn ăn.
Giết mổ, cấp đông, dự trữ thịt lợn được xem là giải pháp cần thiết, cấp bách hiện nay. |
“Giết mổ, cấp đông thịt lợn để đưa thịt sạch, an toàn đến người dân là giải pháp cần thiết mặc dù có nhiều người đang hoài nghi”, ông nói.
Những con lợn khỏe, thay vì chờ đợi khiến lợn khỏe thành lợn bệnh, phải cho tiến hành giết mổ ngay. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, đây là giải pháp nhất cử tam tiện- một mũi tên trúng 3 đích bởi vừa giảm thiệt hại cho hàng triệu nông dân, giảm tổn thất cho ngân sách (nếu không cấp đông dự trữ, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ chôn heo chết với giá 38.000 đồng/kg) và giảm ô nhiễm môi trường.
“Việc giết mổ, cấp đông là việc khó vì chúng ta chưa có thói quen. Thực tế ngày xưa chúng ta đã xuất khẩu thịt lợn đông lạnh cho Liên Xô nhưng chúng ta không làm nữa, làm mất đi một thói quen tốt.
Trung Quốc cũng có kho lạnh để dự trữ thịt quốc gia. Chúng ta không thể cứ đi nhập nông sản các nước trong khi hơn 2 triệu hộ chăn nuôi lợn, 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm. Do đó việc nhập khẩu là không khả thi và không đảm bảo bền vững xã hội”, ông Dương nói.
Để thực hiện việc dự trữ cấp đông, ông Dương cho rằng, Nhà nước cần dùng chính sách để khuyến khích doanh nghiệp làm, từ việc hỗ trợ tìm nguồn thịt lợn sạch đến việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng quỹ bình ổn để doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lo lắng, trong những tháng tới, sợ không còn thịt lợn chứ đừng nói giá bao nhiêu. Do đó, từ bây giờ phải khẩn trương thu mua, tích trữ thông qua cấp đông để khi cần thì đưa ra thị trường; hỗ trợ cho các doanh nghiệp cấp đông thịt lợn.
Tuy nhiên, đại diện Cục chế biến Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đặc thù của chế biến, cấp đông là phải kiểm tra an toàn rồi đưa vào kho cấp đông ngay với nhiệt độ -40 độ C. Trong 24h, tâm thịt phải đạt -24 độ C thì mới đảm bảo. Nên việc giết mổ một chỗ và chuyển cấp đông tại chỗ khác là không ổn.
Cả nước có 380 cở sở giết mổ tập trung song để đáp ứng các điều kiện giết mổ, có kho lạnh, kho cấp đông thì hiện nay chỉ có 14 doanh nghiệp. Trong đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn sữa, đạt công suất 5000 tấn/năm. 9 doanh nghiệp còn lại đảm bảo cấp đông được 6.000 tấn/năm. Con số này còn rất nhỏ so với quy mô 3,81 triệu tấn thịt lợn tiêu dùng/năm của cả nước.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng cho biết, hiện năng lực, kho cấp đông của công ty có hạn nên chỉ đáp ứng được cấp đông, chế biến các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng đảm bảo an toàn sinh học để giữ an toàn cho lợn thịt, lợn giống, khi có cơ hội tái đàn sẽ cung cấp giống cho người chăn nuôi.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội) cho biết, theo chủ trương của sở, công ty đã thu mua, cấp đông được hơn 500 tấn thịt lợn. Tuy nhiên, kho đông lạnh hiện nay đã hết.
Là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước nhưng ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cũng cho biết, khó khăn nhất của tỉnh là không có kho cấp đông, lò mổ đạt chuẩn.Vì vậy, Đồng Nai sẵn sàng đưa heo để cấp đông ở TP.HCM, nhưng phải có cơ chế hỗ trợ vận chuyển, kiểm dịch.
Đồng tình với phương án khuyến khích doanh nghiệp thu mua, cấp đông dự trữ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố có lợi thế hơn là hệ thống kho cấp đông. Hiện sở đã làm việc với 6 doanh nghiệp trên địa bàn thu mua, dự trữ thịt. TP.HCM sẽ rà soát lại các kho chứa của doanh nghiệp, vận động để hỗ trợ cấp đông thịt heo cho các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch tăng lượng heo giết mổ, cấp đông với công suất khoảng 1.200 con heo/ngày.
Tuy nhiên, khi cấp đông thì chi phí cấp đông, hao hụt, nhân công, vận chuyển…làm chi phí giá thành cao. Đặc biệt, không biết khi nào thì có thể giải phóng hàng tồn kho? Đây là rủi ro của doanh nghiệp vì thế ông An kiến nghị Nhà nước cần có dự báo chính xác.
Mặt khác, ông đề xuất Nhà nước phải xác định lãi suất cho vay bằng 0, tiến độ trả nợ ngân hàng phải trên cơ sở tiến độ giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp, Nhà nước cam kết có kênh tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp…Nếu giải quyết được những vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ yên tâm tham gia thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo.