CSGT Đồng Tháp dùng bình xịt hơi cay, tài xế tai nạn tử vong: Khi nào CSGT được sử dụng bình xịt hơi cay?
Bình xịt hơi cay có thể coi là một trong những công cụ hỗ trợ khi cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định.
Vụ việc cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đồng Tháp xịt hơi cay vào người điều khiển xe máy đang chạy tốc độ cao sau đó chiếc xe gặp tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng tối 22/4 xảy ra tại quốc lộ 80, xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đang gây nhiều tranh cãi về hành vi của của CSGT.
Trường hợp nào thì CSGT được sử dụng bình xịt hơi cay khi tuần tra, kiểm soát giao thông? Nếu việc làm này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn tới tai nạn chết người như trong sự việc ở tỉnh Đồng Tháp thì CSGT chịu trách nhiệm thế nào?
Khu vực hiện trường xảy ra vụ tai nạn. |
Trao đổi với PV VietNamNet về sự việc này, một cán bộ công tác tại Cục CSGT – Bộ Công an cho biết: Trong quy định thì khi gặp đối tượng chống đối, lực lượng CSGT sẽ được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, không quy định chi tiết về việc sử dụng bình xịt hơi cay. Vụ việc ở Đồng Tháp đang được Công an tỉnh điều tra xử lý. Phòng nghiệp vụ của Cục CSGT sẽ nghiên cứu về vụ việc và trả lời cụ thể.
Nói về công cụ hỗ trợ mà CSGT được sử dụng khi làm nhiệm vụ, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn luật sư TP Hà Nội) giải thích: Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp. Công cụ bao gồm: phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa.
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Hoàng Tùng khẳng định, bình xịt hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ khi cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định.
"Khi tiến hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm và có dấu hiệu chống trả, gây nguy hiểm cho người khác thì CSGT có quyền được sử dụng bình xịt hơi cay để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Trường hợp xảy ra tai nạn chết người thì cần phải xem xét nguyên nhân gây tai nạn chết người là gì, lỗi thuộc về ai... để tiến hành xử lý. Trong trường hợp người bị tai nạn chết là người có lỗi do hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ thì đây là một tai nạn đáng tiếc!", luật sư này nêu quan điểm.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 25/4, lãnh đạo Phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết Công an tỉnh đang điều vụ việc và đã tạm đình chỉ công tác đối với tổ tuần tra giao thông liên quan để làm rõ vụ việc.
Theo xác minh ban đầu từ Công an tỉnh Đồng Tháp, trước thời điểm xảy ra tai nạn, tổ tuần tra, kiểm soát thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện xe máy của H. chạy tốc độ cao nên ra hiệu dừng xe. Tuy nhiên, H. không chấp hành và chèn ép tổ tuần tra, kiểm soát, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ nên tổ công tác sử dụng bình xịt hơi cay để cảnh cáo. Thế nhưng H. vẫn không chấp hành và tăng ga bỏ chạy.
Sau khi xịt hơi cay, tổ công tác quyết định dừng việc truy đuổi, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Sau đó ít phút thì tổ nhận được tin báo xảy ra vụ tai nạn giao thông và người tử vong là H.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc CSGT có được xịt hơi cay về phía xe đang chạy, một đại diện Phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay: "Theo quy định, trong quá trình CSGT tuần tra, phát hiện người điều khiển phương tiện có vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, gây nguy hiểm đối với người thi hành nhiệm vụ thì được phép sử dụng công cụ hỗ trợ, trong đó có xịt hơi cay. Công an tỉnh Đồng Tháp đang điều tra. Vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng là việc xịt hơi cay là đúng hay sai. Trước mắt đã tạm đình chỉ công tác tổ tuần tra liên quan".
Tiến Dũng