Công trình xanh tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, lợi ích kinh tế xã hội và môi trường lớn
Việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác và giúp chủ đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, do việc xây dựng dự án theo chuẩn xanh sẽ làm đội giá lên từ 10 - 20% nên thực tế tại Việt Nam hiện nay đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án nhà ở phân khúc cao cấp.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, công trình xanh là phương tiện để Tập đoàn làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến sự phát triển bền vững chung của đất nước.
Theo bà Mẫu, tại một dự án ở quận 8 (TP.HCM) của đơn vị mình, chất lượng không khí, tiện nghi ánh sáng, thông gió tự nhiên, tiện nghi nhìn được quan tâm ngay từ giai đoạn thiết kế và kiểm soát tốt trong giai đoạn vận hành. Ngoài ra, công trình đóng góp vào sự đa dạng sinh học của đô thị thông qua việc bảo tồn hệ thống cây xanh và phát triển mới, làm trù phú hơn hệ sinh thái ven sông.
Cùng với đó, không những gắn kết giữa con người với thiên nhiên diễn ra tại ban công cây xanh, cảnh quan giữa các tòa nhà và công viên ven sông mà còn gắn kết giữa con người với con người nhằm tạo nên cộng đồng xanh và bền vững. Cụ thể, dự án được xây dựng theo cấp độ vàng ở hai tiêu chuẩn LEED của Hội đồng công trình xanh Mỹ và LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam. Theo đó, dự án này đã ghi nhận được các chỉ số khả quan về tiết kiệm năng lượng điện - nước.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu sự ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu của trái đất. Vì vậy, cần xây dựng công trình xanh có kiến trúc bền vững và thân thiện với môi trường bằng việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tận dụng nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Bắc vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc phát triển các công trình này.
Cụ thể, trong 10 năm qua, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng trên 200 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu mét vuông sàn xây dựng. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Bắc, Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; chưa có quy định bắt buộc về đánh giá, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng như quy định đã áp dụng đối với các thiết bị sử dụng năng lượng, phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, ông Bắc cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các bon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh, phát thải các bon thấp. Ngành xây dựng cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các bon thấp.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà chung cư, phấn đấu đến năm 2030 giảm ít nhất 25% lượng thải khí nhà kính so với năm 2020; 100 công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả…
Khôi Nguyên