Đầu tư trái phiếu xanh, cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững
Đây là kênh dẫn vốn quan trọng khi có nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước đang đẩy mạnh hoạt động cho vay và đầu tư trong lĩnh vực này.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng khung phân loại tài chính bền vững riêng cùng với việc ban hành tiêu chí xanh với các tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ.
Theo đánh giá của các tổ chức tài chính thì trái phiếu xanh sẽ là kênh huy động vốn tiềm năng bởi nhu cầu về trái phiếu xanh ngày càng cao, đặc biệt đối với các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài, trong khi thị trường chưa đáp ứng đủ nguồn cung.
Hơn nữa, đây là kênh giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng kênh huy động vốn đầu tư trong môi trường thắt chặt kinh tế, hạn chế nguồn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, trái phiếu xanh được đảm bảo một phần nên ít rủi ro hơn trái phiếu thông thường.
Sự hấp dẫn của trái phiếu xanh thể hiện ở chỗ, nhà đầu tư khi tham gia quỹ trái phiếu xanh sẽ nhận được lợi tức trong cùng một ngưỡng với hiệu suất cao hơn trái phiếu truyền thống và đa dạng hóa danh mục đầu tư theo xu hướng “xanh hóa” của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đối với đơn vị phát hành, trái phiếu bền vững, trái phiếu xanh có lãi suất thấp, kỳ hạn dài, cùng cơ chế giảm 50% phí đăng ký và niêm yết cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kênh vốn này, giúp họ tiếp cận với mạng lưới nhà đầu tư trái phiếu bền vững, trái phiếu xanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức nước ngoài, cùng các ưu đãi về tín dụng, lãi suất và tài sản bảo đảm cho các dự án công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Do đó, Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển thị trường trái phiếu xanh theo xu hướng toàn cầu và hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Trên toàn cầu, các trái phiếu được chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021. Về dài hạn, kênh trái phiếu xanh sẽ là giải pháp quan trọng về vốn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Việt Nam, các chính sách mới hiện đang trong quá trình thiết kế và xây dựng sẽ tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn vốn hướng đến tiêu chí xanh trong các năm tới đây.
Theo đó, ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, trái phiếu xanh đã được đề cập và quy định một số khía cạnh. Đồng thời còn có định nghĩa trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành để huy động vốn cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại Điều 154 Nghị định này.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, trái phiếu xanh có lợi tức thấp hơn đáng kể so với trái phiếu thường, khoảng 5 - 10 điểm phần trăm. Tuy nhiên, kỳ hạn của trái phiếu xanh thường dài hơn.
Chứng nhận trái phiếu xanh cho phép tổ chức phát hành liên kết doanh nghiệp của mình với các sáng kiến để thúc đẩy các hoạt động tài chính bền vững trong nền kinh tế các bon thấp (lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý bởi cách tiếp cận sáng tạo hướng tới tính bền vững). Chứng nhận này cho phép các nhà đầu tư tiềm năng nhanh chóng tìm thấy trái phiếu xanh đáng tin cậy trên thị trường.
Trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết mục tiêu tiến tới phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Đối với doanh nghiệp, rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng “xanh” của Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng, bao gồm: Tiện ích (năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải, v.v.), vật liệu, công nghiệp,….
Với tiêu chí và chuẩn mực riêng, doanh nghiệp cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh. Đồng thời cần theo dõi và đón chờ các chính sách mới được triển khai và tối đa hóa lợi ích từ các chương trình.
Tuân Nguyễn