Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của hải quan trong 4 tháng đầu năm
Cục Điều tra chống buôn lậu đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, nắm vững địa bàn quản lý, chủ trì và phối hợp bắt giữ 61 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,044 tỷ đồng.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh xã hội và phòng chống tội phạm.
Hải quan kiểm tra hàng hóa tại Chi cục hải quan Móng Cái – Cục hải quan Quảng Ninh. |
Cụ thể như sau: Ban hành 04 Kế hoạch chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát hải quan toàn Ngành: Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2022; Kế hoạch phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 của ngành Hải quan; Triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; kế hoạch công tác trọng tâm về thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát năm 2022.
Ban hành 08 văn bản chỉ đạo, cảnh báo tập trung vào các mặt hàng cấm, hàng có điều kiện, các hiện tượng nóng, nổi cộm như: tăng cường kiểm soát xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá điếu, đường cát; tăng cường kiểm soát tiền chất; cảnh báo thủ đoạn vận chuyển trái phép ma túy và hàng cấm qua đường chuyển phát nhanh; cảnh báo việc lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT.
Kết quả công tác đấu tranh trực tiếp: Tính từ 16/12/2021 đến 15/04/2022, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, nắm vững địa bàn quản lý, chủ trì và phối hợp bắt giữ 61 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,044 tỷ đồng; thu NSNN ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. Ban hành 10 Quyết định khởi tố vụ án hình sự và 06 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Công tác quản lý rủi ro
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý rủi ro, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát rủi ro và Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro năm 2022; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Cục Hải quan tỉnh thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.
Phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm như: mặt hàng đá xây dựng, thép, hàng tiêu dùng, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng tạm nhập, tái xuất,…để đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm. Bám sát tình hình soi chiếu tại các địa bàn, chủ động trao đổi, phối hợp điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện soi chiếu phù hợp với tuyến vận chuyển và theo đề nghị của doanh nghiệp.
Kết quả: Trong Quý I/2022, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 18.052 cont, cont nghi vấn đạt 1.037 cont (chiếm 5,74%/tổng cont soi), cont vi phạm đạt 119 cont (đạt 11,48%/tổng cont nghi vấn). Tổng lượng container giảm 26,19% so với cùng kỳ do tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng lượng container vi phạm cao gấp 2,53 lần. Trong tháng 4, tổng lượng cont soi chiếu toàn ngành đạt 10.851 cont, cont nghi vấn đạt 717 cont (chiếm 6.6%/tổng cont soi), cont vi phạm đạt 46 cont (đạt 6.42%/tổng cont nghi vấn).
Công tác phân luồng kiểm tra hàng hóa: Từ ngày 01/01 đến 15/4/2022 toàn ngành áp dụng khoảng 120 nghìn chỉ số tiêu chí đảm bảo phân luồng thông suốt hơn 4 triệu tờ khai: 2.691.219 tờ khai luồng xanh chiếm tỷ lệ 66,65%; 817.151 tờ khai luồng vàng chiếm tỷ lệ 29,65 % và 149.452 tờ khai luồng đỏ chiếm tỷ lệ 3,7%. Tổng số 4.196 hồ sơ vi phạm được thiết lập, 12.568 lượt tổ chức cá nhân vi phạm bị xử phạt.
Công tác kiểm tra sau thông quan
Nhằm triển khai đồng bộ công tác KTSTQ đối với một số lĩnh vực quản lý, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, đánh giá dấu hiệu rủi ro trong một số lĩnh vực quản lý về hải quan theo 7 chuyên đề (Chuyên đề các mặt hàng nhập khẩu có 2 mức thuế suất; Chuyên đề thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu; Chuyên đề mặt hàng lốp dùng cho ô tô chở hàng, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc; Chuyên đề phế liệu nhập khẩu; Chuyên đề máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu; Chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Mỹ; Chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Ấn Độ), đã lập danh sách 202 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; giao cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phân tích số liệu, đánh giá các nguồn thông tin nghiệp vụ, xác định dấu hiệu vi phạm và phương pháp tiến hành ểm tra để thực hiện KTSTQ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Quyết định sửa đổi Quyết định 575/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2019 về việc ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan, trong đó lồng ghép quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo định hướng tiên theo định hướng xử lý được các vướng mắc hiện đang tồn tại, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, quản lý được cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ KTSTQ, tránh được những tiêu cực phát sinh.
Từ ngày 01/01/2022 đến 15/04/2022, toàn Ngành đã thực hiện KTSTQ 386 cuộc, trong đó có 133 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 253 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 105.50 đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 64.08 tỉ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra
Thực hiện Quyết định số 2208/QĐ-BTC ngày 25/11/2021 của Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành (viết tắt là TTCN) năm 2022 của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành các Quyết định số: 3187, 3188, 3189/QĐ-TCHQ ngày 08/12/2021 phân công các đơn vị thực hiện kế hoạch TTCN năm 2022; Quyết định số 3213/QĐ-TCHQ ngày 14/12/2021 phê duyệt kế hoạch kiểm tra nội bộ (viết tắt là KTNB) năm 2022 của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Quyết định số 3238/QĐ-TCHQ ngày 22/12/2021 phê duyệt kế hoạch TTCN năm 2022 của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Quyết định số 3393/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021 phê duyệt kế hoạch KTNB năm 2022 của Tổng cục Hải quan. Trên cơ sở đó, các đơn vị hải quan đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch KTNB và TTCN năm 2022.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện kiểm tra nội bộ trực tuyến thông qua hệ thống thông tin nghiệp vụ và camera giám sát Hải quan. Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 để cung cấp thông tin, số liệu theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ Tài chính; phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; Thanh tra một số tỉnh về giá nhập khẩu một số loại vật tư, thuốc, kít xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra do Thanh tra Chính phủ và các đơn vị cấp trên thực hiện; Phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến trong toàn Ngành về một số nội dung của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thực hiện 32 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó: 23 cuộc TTCN (03 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 20 cuộc triển khai trong kỳ) và 09 cuộc KTNB (01 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 08 cuộc triển khai trong kỳ).
Tổng số tiền thuế kiến nghị truy thu trong toàn ngành 19,061 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu: 18,407 tỷ đồng, xử phạt VPHC: 654 triệu đồng; đã nộp NSNN 13,367 tỷ đồng.
Tiến Anh