Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai xây dựng nông thôn mới
Triển lãm những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Giang. |
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phất triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh, trật tự được giữ vững. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 do Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 công bố, sau hơn 9 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những kết quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện như sau:
Trong giai đoạn 2011-2015, từ Trung ương đến địa phương đã thành lập được BCĐ Chương trình MTQG xây đựng NTM các cấp; hệ thống Văn phòng điều phối NTM được thành lập và từng bước kiện toàn. Tuy nhiên, bộ máy giúp việc ở hầu hết các địa phương còn chưa đồng bộ; cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, nên hiệu quả tham mưu chưa cao.
Về chỉ đạo, một số địa phương đã vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương để chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương (như hỗ trợ xi măng, hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư vào sản xuất,…).
Tuy nhiên, nhìn chung nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống do thiếu nguồn lực (như chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp).
Lãnh đạo một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương, hoặc chạy theo thành tích nền còn có biểu hiện huy động quá sức dân hay nợ đọng xây dựng cơ bản; hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuề xòa; chưa phát huy được nội lực và vai trò chủ thể của người dân,…
Giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh cả nước chỉ còn thực hiện 02 chương trình MTQG, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một Ban chỉ đạo Trung ương chung cho cả 02 chương trình (Xây dựng NTM và Giảm nghèo bền vững).
Trên cơ sở đó, các địa phương đã hoàn thành công tác kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo các cấp (tỉnh, huyện, xã); hầu hết các thôn, bản, ấp có Ban phát triển thôn; 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Văn phòng điều phối cấp tỉnh; có 90,1% đơn vị cấp huyện đã thành lập văn phòng điều phối; 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng NTM ở cấp xã; năng lực, kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình NTM các cấp đã có tiến bộ rõ rệt so với giai đoạn 1 và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Trung ương đã sớm được hoàn thiện theo hướng khắc phục căn bản những hạn chế và tồn tại của giai đoạn trước, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của địa phương, như: Điều chỉnh, sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và lồng ghép 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc; ban hành tiêu chí huyện NTM; bổ sung các tiêu chí NTM nâng cao và kiểu mẫu;
Linh hoạt giao mục tiêu cụ thể thực hiện hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020; ban hành Đề án hỗ trợ xây dựng NTM cấp thôn, bản vùng khó khăn, vùng biên giới và một số Đề án chuyên đề hỗ trợ các địa phương tập trung chỉ đạo đi sâu vào chất lượng của các nội dung trọng tâm; ban hành quy trình xem xét, công nhận các địa phương đạt chuẩn NTM và phải lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân do Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai.
Đồng bào dân tộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. |
Hầu hết các địa phương đã quan tâm hơn đến xây dựng NTM, đã xác định rõ xây dựng NTM là chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và đưa vào là một trong những nội dung chính của Đại hội Đảng các cấp.
Công tác chỉ đạo đã tập trung vào các nội dung trọng tâm, đi vào chiều sâu chất lượng nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, xây dựng NTM theo hướng bền vững.
Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn, do đó, nhiều nơi đã có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.
Chẳng hạn như tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng phần mềm dữ liệu số NTM. Tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa sáng tạo chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản vùng khó khăn. Tỉnh Điện Biên ưu tiên xây dựng NTM các xã biên giới. Tỉnh Nam Định chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn. Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển sản phaarp OCOP,….
Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã linh hoạt, chủ động ban hành các bộ tiêu chí khác nhau ở cấp thôn, đến xã và huyện làm sâu sắc hơn cấp độ đạt NTM; xây dựng chính sách hỗ trợ các thôn, xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM ở cấp độ cao hơn.
Đến nay, đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, 23 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, vai trò của cấp huyện được khẳng định trong xây dựng NTM, nhất là trong việc cấp ủy quyết liệt luân chuyển, bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã; sáng tạo trong huy động và bố trí nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí NTM cấp huyện; ưu tiên thu hút doanh nghiệp gắn với các vùng nguyên liệu tập trung…
03 tỉnh Hà Tĩnh, Cà Mau và Gia Lai đã mạnh dạn rút bằng công nhận đạt chuẩn NTM của các xã không đảm bảo yêu cầu sau đạt chuẩn, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, kịp thời chấn chỉnh, thay đôỉa trạng thái lơ là, thỏa mãn sau khi đạt thành tích.