Cổng OCOP Gate thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt
Sau hơn 1 năm hoạt động, Cổng thương mại điện tử OCOP Gate đã giúp các hợp tác xã hiện thực hóa khoảng 2.000 hợp đồng xuất khẩu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, OCOP vào nhiều thị trường khó tính.
Cổng Hợp tác xã OCOP Việt Nam (OCOP Gate) là cổng thương mại điện tử ứng dụng công nghệ blockchain, một trong những công nghệ hiện đại nhất trong thương mại điện tử hiện nay, được xây dựng từ năm 2019, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2020. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một cổng thương mại điện tử như vậy.
Giao diện trang chủ của Cổng Hợp tác xã OCOP Việt Nam (OCOP Gate). Ảnh: Ngọc Mai |
“Mục đích của chúng tôi khi phối hợp với doanh nghiệp lập OCOP Gate là giúp các hợp tác xã kết nối, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, tập trung vào các thị trường khó tính như Anh, Nhật Bản, EU, Mỹ…”, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhớ lại.
Hiện có khá nhiều sản thương mại điện tử cho người dân, hợp tác xã tham gia, nhưng OCOP là cổng dành riêng cho các hợp tác xã. Đây là một sân chơi mở, rất bổ ích cho các hợp tác xã, giúp họ tiếp cận với công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, từng nước đưa nông sản Việt nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng lên sàn thương mại điện tử.
Trong số 5.000 sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên OCOP Gate thì khoảng 40% là sản phẩm của các hợp tác xã. Khi tham gia Cổng này, các hợp tác xã sẽ được hỗ trợ phát triển câu chuyện sản phẩm, kiểm soát chất lượng, bán hàng thông qua các hoạt động của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng ở các địa phương và các doanh nghiệp công nghệ số. Các hợp tác xã cũng được hỗ trợ hoàn thiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài bằng tiếng Anh.
“Cổng này mới tập trung bán sỉ các sản phẩm. Chúng tôi sẽ hướng tới thị trường bán lẻ trong thời gian tới, giúp các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số, trực tiếp ký hợp đồng với các doanh nghiệp”, ông Thịnh cho biết.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, với sự tham gia của 59 tỉnh/thành, 160 cán bộ địa phương, hơn 600 cán bộ hợp tác xã, OCOP Gate đã giúp các hợp tác xã thực hiện 2.000 hợp đồng, doanh số giao dịch đạt 300 tỷ đồng. Hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, và 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ tiêu thụ.
Muốn đưa nông sản, sản phẩm OCOP Gate, điều kiện tiên quyết là hợp tác xã, nông dân phải chuẩn hóa lại tiêu chuẩn sản xuất để đảm bảo các yêu cầu trên sàn. Khi đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn có chứng nhận thì hợp tác xã có thể trực tiếp đến các chi cục phát triển nông thôn, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn đăng ký, sẽ được hướng dẫn cụ thể với cách thức đơn giản. Trước mắt, việc đưa sản phẩm lên OCOP Gate hoàn toàn miễn phí.
“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hợp tác xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi còn hạn chế thông tin về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, phương thức giao dịch, hợp dồng… Do vậy, các hợp tác xã cần phải áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ số để minh bạch hóa quá trình sản xuất. Nhà nước cũng cần có chính sách để thu hút lực lượng cán bộ đã qua đào tạo về làm cán bộ hợp tác xã. Các chương trình đào tạo của hợp tác xã cần tập trung vào nội dung năng lực quản trị nông nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ, chuyển đổi số”, ông Thịnh lưu ý.
“Để hạn chế các rủi ro, bất định của thị trường, các hợp tác xã cần liên kết lại, thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ…”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn khuyến nghị thêm.
Ngọc Mai