Công nghệ tiên tiến: Động lực để phát triển ngành nuôi biển Việt Nam
Doanh nghiệp là chủ thể chính
Khác với nghề cá nhân dân, chủ thể của nghề cá công nghiệp là doanh nghiệp. Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cần xây dựng thể chế, chính sách tài chính và cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nhanh số lượng, quy mô và chất lượng các doanh nghiệp để dẫn dắt sự nghiệp nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, có 3 phương thức chính gồm:
Lựa chọn các HTX, hộ gia đình nuôi biển truyền thống đủ năng lực, xây dựng đề án trại nuôi biển để được giao mặt nước biển và cho vay vốn ngân hàng, hỗ trợ đào tạo nhân lực.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng lấy ví dụ để đạt mục tiêu 600.000 tấn cá biển nuôi vào năm 2030, có thể lựa chọn 2% các chủ trại nuôi thủ công hiện có, phát triển 1.000 trại nuôi cá biển công nghiệp quy mô nhỏ. Mỗi trại có 20 lồng tròn HDPE, đường kính 20-25m, được trang bị xà lan phun thức ăn và các trang thiết bị phụ trợ cùng cơ sở hậu cần trên bờ; sản lượng 600 tấn/năm; vốn đầu tư toàn bộ 0,8-1 triệu USD; giá trị sản lượng cửa trại là 1,5 triệu USD; hiệu quả 30-35% tổng doanh thu. Năng suất lao động bình quân của trại 100.000 – 150.000 USD/người/năm.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA). |
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nuôi biển công nghiệp. Hiện nay quá trình hình thành nuôi biển công nghiệp mới bắt đầu, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào các trại nuôi biển như một sự đầu tư khởi nghiệp tiềm năng lớn, lợi nhuận cao. Đặc biệt, cần ưu tiên khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến hải sản mở rộng chuỗi cung ứng bằng cách đầu tư vào các nguồn, chủ động tạo ra nguyên liệu cung cấp cho mình.
Chuyển các viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu hải sản thành doanh nghiệp KHCN. Các doanh nghiệp KHCN này sẽ làm nhiệm vụ chọn lọc, tiếp cận, tiếp thu và phát triển các công nghệ nuôi biển tiên tiến của nước ngoài, đảm nhiệm các khâu sản xuất giống, vật tư và dịch vụ chuyên nghiệp, để phục vụ chuỗi giá trị của cộng đồng doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp.
Công nghệ tiên tiến là động lực
Nuôi biển công nghiệp xa bờ gắn chặt với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa chuỗi giá trị nuôi biển công nghiệp gồm nhiều khâu, các doanh nghiệp trong từng khaai phải lựa chọn các công nghệ tiên tiến thích hợp và phối hợp đồng bộ với các khâu để có hiệu quả cho toàn chuỗi.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, một số công nghệ chủ yếu cần được phát triển mạnh như:
Công nghệ sản sinh nhân tạo: phát triển du nhập và ứng dụng công nghệ hiện đại sinh sản nhân tạo các giống hải sản có giá trị cao, cung cấp đủ giống chất lượng tốt cho nhu cầu nuôi công nghiệp; hỗ trợ đầu tư các trại giống quy mô lớn ứng dụng công nghệ tuần hoàn khép kín (RAS);
Công nghệ chế tạo phương tiện nuôi biển công nghiệp: Phát triển thiết kế, chế tạo, sản xuất các thiết bị, phương tiện, công cụ phục vụ nuôi biển bằng các loại vật liệu đa dạng. Riêng nuôi cá biển cần khoảng 20.000 lồng nổi bằng HDPE, các hệ lồng chìm, bán chìm bằng thép hợp kim, đồng, chất dẻo, composite,…;
Mô hình lồng bè bằng vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). |
Công nghệ sản xuất và cung cấp thức ăn: Phát triển các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp. Đến n ăm 2030, riêng cá biển nuôi cần sản lượng 1,5-3 triệu tấn thức ăn viên mỗi năm. Ứng dụng các men vi sinh và chế phẩm sinh học cho thức ăn, chế tạo các phương tiện tích trữ và phun thức ăn bằng khí nén cho từng lồng nuôi cũng như công nghệ sản xuất thức ăn nuôi hải sản ngay trên biển;
Công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển sản phẩm nuôi biển: Phát triển các công nghệ thu hoạch bằng bơm hút cá chuyên dụng (thay vì đánh lưới), các công nghệ tiên tiến bảo quản và vận chuyển sống và tươi các hải sản giá trị cao, công nghệ giữ siêu tươi và cấp đông nhanh trên biển, công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng làm sẵn và ăn liền, các công nghệ tinh chiết các chế phẩm giá trị cao phục vụ y khoa, mỹ phẩm, dược phẩm;
Công nghệ sinh hóa chiết xuất và tinh chế các chế phẩm sinh học, sinh hóa có giá trị cao từ các hải sản và tận dụng tối đa phụ liệu, phế liệu hải sản, tiến đến xây dựng ngành công nghiệp không chất thải;
Công nghệ số tự động hóa nuôi biển: Cần phát triển mạnh các công nghệ IoT và AI ứng dụng cho nuôi biển trong việc tự động quan sát lưới, tình trạng vật nuôi, theo dõi phân tích tính ăn của vật nuôi, tự động điều chỉnh việc cung cấp thức ăn, vị trí lồng bè, thu thập thông số môi trường biển, cảnh báo tình hình an ninh,…
Còn nhiều dư địa cho phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam. |
Phương thức tích hợp đa ngành
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng phát triển công nghiệp nuôi biển không phải là nhiệm vụ của riêng ngành thủy sản hay Bộ NN&PTNT, mà là sự nghiệp chung của tất cả các ngành kinh tế biển và nhiều ngành khác.
Do đó, phương thức tích hợp đa ngành sẽ biến nuôi biển công nghiệp thành “dây lạt xanh” mềm mại và chặt chẽ để kết nối, huy động và tập trung các nguồn lực tổng hợp, thực hiện có hiệu quả và phát huy tác dụng của cuộc cách mạng to lớn này.
Theo đó, cần có sự tích hợp đa ngành giữa các ngành gồm: Ngành nuôi hải sản, ngành dầu khí, ngành du lịch, ngành cơ khí đóng tàu, ngành năng lượng, và ngành quốc phòng – an ninh.
“Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển nuôi biển công nghiệp, tiến ra làm chủ vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, làm giàu cho dân, đưa nước ta thành quốc gia hàng đầu thế giới về nuôi biển”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng nói