Công nghệ 4.0 làm thay đổi bộ mặt sản xuất ở Đông Nam Á
Theo ASEAN Post, Đông Nam Á đang là khu vực đang phát triển nhanh chóng từ một xã hội nông nghiệp trở thành một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới trong vòng một thế kỷ qua.
Công nghệ 4.0 đang làm thay đổi bộ mặt sản xuất ở Đông Nam Á. |
Một trong những nguyên nhân chính giúp Đông Nam Á phát triển mạnh chính là khu vực này được xem là một trung tâm sản xuất giá rẻ. Kết hợp với giá xuất khẩu thấp, hai yếu tố này giúp mang đến nguồn thu nhập cần thiết cho khu vực để phát triển.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất Trung Quốc. Nói cách khác, không dễ gì có thể tìm thấy một sản phẩm mà không ghi "Made in China".
Do đó, theo ASEAN Post, để duy trì vị thế "nhà máy toàn cầu", Đông Nam Á cần xem xét những lợi ích từ các công nghệ kỹ thuật số mà Công nghệ 4.0 hay Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Những công nghệ mới này bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và robot.
Theo báo cáo của công ty McKinsey & Company với tiêu đề "Công nghệ 4.0: Truyền sinh khí cho ngành sản xuất của ASEAN trong tương lai", Đông Nam Á cần nắm bắt những cơ hội mà Công nghệ 4.0 mang lại để mở khóa tiềm năng sản xuất.
Cũng theo McKinsey & Company, công nghệ đột phá của Công nghệ 4.0 có thể tăng năng suất như những gì mà động cơ hơi nước mang lại trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất.
Trên phương diện toàn cầu, nếu công nghệ kỹ thuật số liên quan đến Công nghệ 4.0 được nắm bắt và tích hợp, theo dự kiến, số tiền kiếm được sẽ tăng từ 1,2 ngàn tỷ lên thành 3,7 ngàn tỷ USD. Trong khi đó, tại ASEAN, Công nghệ 4.0 có thể góp tăng năng suất từ 216 ngàn tỷ - 627 ngàn tỷ USD.
Tăng năng suất
Một trong những nguyên nhân chính góp phần thúc đẩy gia tăng năng suất của các quốc gia Đông Nam Á chính là công nghệ kỹ thuật số. Ngoài ra, các công nghệ này còn giúp nhiều nước trong khối ASEAN rút ngắn khoảng cách về chênh lệch năng suất.
Khoảng cách năng suất là khoảng cách giữa chi phí trả cho nhân công và năng suất lao động. Ngoài Singapore, khoảng cách năng suất giữa các quốc gia Đông Nam Á đã hạn chế nền công nghiệp sản xuất của những quốc gia này đạt tới tiềm năng tối đa.
Tính trung bình, chi phí lao động tại Đông Nam Á thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Song lợi thế này không được công nhận bởi năng suất lao động tại các quốc gia Đông Nam Á thấp hơn.
Ngoài chi phí nhân công thấp, Đông Nam Á có thể thu hẹp khoảng cách năng suất bằng cách triển khai các công nghệ mới. Cụ thể, các nhà máy có thể tích hợp nhiều công nghệ mới như robot để tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa lỗi của con người trong quá trình sản xuất cũng như ngăn chặn tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, các công ty có thể tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu để tự động hóa thông minh hơn và nâng cao hiệu quả. Theo một báo cáo của Accenture, vào năm 2035 AI sẽ có tiềm năng tăng năng suất lên 40%.
Một số nước Đông Nam Á đã bắt đầu triển khai ứng dụng Công nghệ 4.0. Điển hình, công ty sản xuất bán dẫn Infineo Technologies có kế hoạch đầu tư hơn 84 triệu USD vào nhà máy thông minh 4.0 tại Singapore. Công ty kỳ vọng sẽ cắt giảm một nửa thời gian sản xuất, tăng năng suất 10% và tiết kiệm 1 triệu USD cho chi phí năng lượng hàng năm.
Ngoài ra, tập đoàn năng lượng Malaysia Petronas và công ty sản xuất thiết bị khai thác năng lượng của Indonesia PT Trakindo Utama cũng đã có những nỗ lực số hóa các hoạt động và dịch vụ khách hàng.
Rào cản chi phí
Dù công nghệ 4.0 có thể là chìa khóa để mở rộng lợi nhuận cho các nhà máy, nhưng chi phí lớn đầu tư chính là rào cản cho quá trình ứng dụng. Nói cách khác, phần lớn các công ty đang đợi những công nghệ được sử dụng rộng rãi và giá cả phải chăng trước khi mạo hiểm đầu tư.
Bên cạnh đó, những công nghệ mới có thể đe dọa lực lượng lao động. Theo một báo cáo vào năm 2017 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một nửa nhân công làm công ăn lương tương đương 137 triệu người tại Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan có thể mất việc trong 20 năm tới.