Xã hội học tập phải hướng tới mục tiêu tạo ra các "công dân số"
Hiện nay, học tập suốt đời được coi là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Thái Bình, sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án xây dựng xã hội học tập đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị, xây dựng nếp sống văn hóa địa phương.
Hầu hết các mục tiêu của Đề án đều đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra như xóa mù chữ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề… Mặc dù vậy, Trung tâm học tập cộng đồng được coi là hạt nhân, là cơ sở góp phần xây dựng xã hội học tập nhưng chưa được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nên chưa phát huy hết hiệu quả.
Ảnh có tính chất minh họa |
Hàng năm, hội khuyến học các xã, thôn, làng, dòng họ, gia đình đều tổ chức các buổi khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó nhằm động viên, khích lệ tinh thần say mê học tập và sáng tạo của học sinh. Năm 2020, hội khuyến học các cấp đã tổ chức khen thưởng cho hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên.
Cùng với hoạt động của tổ chức khuyến học các xã, thị trấn, hội khuyến học các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp diễn ra nhiều hình thức tổ chức khuyến học, khuyến tài phong phú. Hầu hết các đơn vị trong huyện đều phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt lấy tổ chức công đoàn làm nòng cốt trong việc huy động các nguồn quỹ.
Hiệu quả từ hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Thái Bình đã góp phần quan trọng trong việc động viên, khích lệ phong trào học tập, rèn luyện của tuổi trẻ, xây dựng xã hội học tập, thu hút các hội viên tham gia sinh hoạt tại các chi hội.
Các hoạt động khuyến học đã không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao dân trí; đào tạo những nông dân có trình độ sản xuất cao, có nhận thức chính trị đúng đắn, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu đẹp.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình Xây dựng xã hội học tập, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Việc xây dựng xã hội học tập đã khuyến khích phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị. Các gia đình đã tích cực lao động, phát triển kinh tế, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Trong thời đại ngày nay, những khát vọng hiểu biết của con người dễ dàng hơn nhờ các thiết bị công nghệ số. Có nhiều diễn đàn được lập ra cho từng lĩnh vực, lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức dạy học ngày càng được chú trọng. Các lớp học trực tuyến đã và đang trở thành làn sóng giáo dục mới.
Do đó, chúng ta cần biết sử dụng những lợi thế và hạn chế những nhược điểm từ Internet và các thiết bị công nghệ số để có thể đạt kết quả tốt nhất trong học tập và làm việc. Cần triển khai chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích.
Theo GS Phạm Tất Dong, trong giai đoạn tới, việc xây dựng xã hội học tập có nhiều thay đổi. Trong đó “giáo dục số”, “chuyển đổi số” là nhiệm vụ, mục tiêu mà xã hội học tập ở giai đoạn tới cần đạt được, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Xã hội sẽ hình thành mô hình công dân học tập có những năng lực cần thiết để xây dựng nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao.
Cần xây dựng hệ thống giáo dục mở với những cơ chế, chính sách vận hành và hành lang pháp lý bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng giáo dục, có được cơ hội và điều kiện học tập suốt đời. Hệ thống trường lớp, cơ sở GD&ĐT hoạt động trong môi trường số được nhân rộng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Hoàng Thanh