Công bố 14 đề thi tốt nghiệp thử nghiệm vào cuối tháng 1/2017
Bộ GD&ĐT dự kiến công bố 14 đề thi tốt nghiệp thử nghiệm vào cuối tháng 1/2017 |
Đây là nội dung trong báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017.
Tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2016), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị thi.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Hoàn thiện để ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Dự kiến điều động cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức Kỳ thi tại các Sở GD&ĐT; chỉ đạo các trường ĐH, CĐ bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia Kỳ thi theo điều động của Bộ và phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, đảm bảo thực hiện vai trò giám sát đúng quy định của Quy chế, nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia.
Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình
Phát biểu tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - đã đặc biệt nhấn mạnh nội dung này khi trao đổi với các địa phương.
Vấn đề này cũng được Bộ GD&ĐT nhắc đến trong báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về công tác chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu trong thời gian tới, các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh trong các trường phổ thông thuộc quyền quản lý.
Cụ thể, đối với giáo dục trung học: Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các địa phương về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kỹ thuật biên soạn ma trận đề và câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các địa phương thông qua ”Trường học kết nối”.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Tăng cường tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội có nhận thức đúng về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tích cực chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tổ chức học tập quy chế thi THPT quốc gia cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phổ biến quy chế đến cha mẹ học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.
Chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các Sở Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định.
Lưu ý: Các cơ sở giáo dục cần thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Các trường THPT yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia cần đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, thi tốt nghiệp năm 2016 có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập thi năm 2017; chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP.
Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và các quy định của UBND tỉnh, thành phố, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kì thi THPT quốc gia nói riêng.
GDTX tăng cường thời gian phụ đạo và ôn tập
Đối với giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT, phù hợp với hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình GDTX cấp THPT và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Không được cắt xén chương trình, kể cả các môn không thi tốt nghiệp.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học viên đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, chính xác theo quy định của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình GDTX.
Nội dung ôn tập yêu cầu bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDTX cấp THPT ban hành theo Quyết định số 50/2006/QĐ-BGDĐT ; chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12.
Do đặc điểm của học viên GDTX đa dạng về độ tuổi, trình độ nhận thức hạn chế, bỏ học lâu ngày, học lực đa số là trung bình và yếu nên các địa phương cần tăng cường thời gian phụ đạo và ôn tập, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp ôn tập theo trình độ của học viên để ôn tập cho tốt kiến thức cơ bản.
Bố trí giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để tổ chức ôn tập cho học viên lớp 12 nắm chắc kiến thức cơ bản để tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2017 đạt kết quả tốt.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, nhất là những môn Toán, Lịch sử, Địa lý cần tập trung ôn tập các kiến thức, kỹ năng cơ bản, giúp học viên làm quen với câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, giảm thiểu khả năng ghi nhớ kiến thức máy móc, riêng rẽ, độc lập.
Tổ chức hướng dẫn ôn tập cho các học viên đã hoàn thành chương trình THPT trước đây nhưng chưa tốt nghiệp THPT, nay có nguyện vọng ôn tập, chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 theo hình thức thí sinh tự do tại các trung tâm GDTX.
Chuẩn bị tốt việc đăng ký dự thi và cung cấp dữ liệu chính xác phục vụ cho công tác tổ chức thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Xây dựng phương án tổ chức thi thực tế và khả thi; xây dựng phương án huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo; tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi.
Bộ GD&ĐT cho biết đang tập trung chỉ đạo tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thi gắn kết với tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Nguồn GDTĐ