Công an Đà Nẵng vạch rõ các thủ đoạn lừa đảo 'lời mời' góp vốn kinh doanh, xin việc, nhận quà
Công an Đà Nẵng khuyến nghị cảnh giác một số phương thức, thủ đoạn nổi cộm mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng gần đây để chiếm đoạt tài sản.
Sáng 25/5, Thượng tá Nguyễn Văn Cung, Trưởng phòng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Đà Nẵng thông tin về một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm để các cơ quan, tổ chức và công dân cảnh giác phòng tránh.
Công an Đà Nẵng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, công dân cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: HC) |
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cung, thủ đoạn nổi cộm của tội phạm là thông qua các mối quan hệ thân thiết từ trước, tạo lòng tin cho người bị hại rằng mình đang kinh doanh ở một số lĩnh vực đem lại lợi nhuận rất cao như đầu tư mua bán vé máy bay, đầu tư vào các dự án đất đai… để huy động vốn. Sau khi chiếm đoạt được tài sản thì đối tượng tuyên bố mất khả năng chi trả, đồng thời trốn khỏi nơi cư trú.
Thủ đoạn nổi cộm tiếp theo là bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhắm vào những người có nhu cầu mua bất động sản hoặc chung cư nhưng không tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan như chủ sở hữu thật sự của bất động sản hoặc chung cư mà mình có nhu cầu mua là ai, họ có nhu cầu bán hay không? Hoặc các dự án bất động sản đó trên thực tế đã được rao bán chưa?
Do không nắm bắt kỹ thông tin mà chỉ tin tưởng tuyệt đối vào người trung gian nên nhiều người bị hại đã vô tình chuyển tiền mua bất động sản hoặc chung cư cho tội phạm. Sau khi người bị hại chuyển tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do không thể toàn tất các thủ tục chuyển nhượng sang tên rồi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tự tạo cho mình 'vỏ bọc' quen biết với một số cán bộ lãnh đạo có khả năng xin được việc làm. Do có nhu cầu xin việc làm, nhiều người bị dụ dỗ, thuyết phục nên đã chuyển tiền cho chúng, nhưng sau khi chuyển tiền thì chúng không thực hiện được cam kết và chiếm đoạt tiền của bị hại.
Thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo..., các đối tượng lừa đảo làm quen, kết bạn với các bị hại. Sau một thời gian quen, các đối tượng này đề nghị gửi quà có giá trị từ nước ngoài về, hoặc gợi ý có một số tiền mong muốn đầu tư, làm từ thiện ở Việt Nam.
Trong quá trình “gửi” quà (tiền) về, đối tượng lừa đảo thông báo cho bị hại là quà tặng đến cửa khẩu Việt Nam nhưng phải nộp thuế, lệ phí hoặc bị Hải quan tạm giữ; muốn nhận được quà thì bị hại cần phải nộp một số tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp. Vì mong muốn nhận được quà từ nước ngoài nên không ít người đã sa bẫy, nộp tiền vào tài khoản theo hướng dẫn của tội phạm.
Phương thức, thủ đoạn thứ năm của tội phạm là thông qua các trang mạng xã hội, bọn tội phạm đưa ra thông tin trúng thưởng như bạn là người may mắn trúng thưởng trong một chương trình.... của công ty hay tập đoàn nào đó. Để nhận được quà thưởng như xe máy SH, tiền, phiếu mua quà... thì người nhận quà phải nộp tiền phí vận chuyển bằng hình thức nạp card điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Nhiều người cả tin, nộp tiền “phí vận chuyển” theo yêu cầu nêu trên và bị bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an Đà Nẵng cũng cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin cho người bị hại thông báo khách hàng có giao dịch chuyển tiền vào tài khoản nhưng giao dịch bị treo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu dịch vụ Internet banking và mã OTP để nhận tiền.
Nhiều người cả tin đã cung cấp các thông tin nêu trên, sau đó bị bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng chính các thông tin của người bị hại cung cấp để thực hiện hành vi rút tiền có trong tài khoản của bị hại thông qua giao dịch Internet banking.
Hải Châu