Con trẻ nhưng tóc bạc trắng đầu, có phải do máu xấu?
Tóc bạc sớm là một tình trạng không hiếm gặp, thường không liên quan đến sức khoẻ chung nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho tóc bạc sớm.
BSNT Hồ Phương Thùy – Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm chưa rõ ràng, một số tác giả cho rằng có thể liên quan đến rối loạn lão hoá sớm, bệnh tự miễn, cơ địa.
Bệnh nhân tóc bạc sớm cần được đánh giá tổng thể, bao gồm cả các bệnh chuyển hoá. Đến nay, nhuộm tóc là phương phác lựa chọn chủ yếu để đảm bảo tính thẩm mỹ trong tóc bạc sớm, bên cạnh các biện pháp bổ sung chất vitamin và khoáng chất.
Độ tuổi xuất hiện tóc bạc tự nhiên trung bình ở người da trắng, vàng, đen tương ứng là 35, 40 và 45 tuổi và khoảng 6-23% người 50 tuổi có 50% số lượng tóc là bạc. Tóc bạc sớm được định nghĩa là tình trạng tóc bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 ở người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen.
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu sinh bệnh học của sắc tố tóc nhưng nguyên nhân của tóc bạc vẫn chưa rõ ràng, chủ yếu được giải thích dựa trên các yếu tố về gen (alpha-MSH, C-Kit, MITF..) và gốc oxy hóa tự do, từ đó làm giảm số lượng tế bào melanocyte hoạt động tại nang tóc và rối loạn quá trình vận chuyển melanosom. Điều này có thể gây ra mất dần sắc tố qua vài chu kì tóc hoặc chỉ cần qua 1 chu kì tóc.
![]() |
Vì sao ngày càng nhiều người tóc bạc sớm? Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Thuỳ các yếu tố làm tăng tình trạng tóc bạc sớm như hội chứng bẩm sinh có liên quan đến tóc bạc sớm: Hội chứng Brook, Hội chứng Werner, Rothmund-Thompson, Cri-du-chat, Fisch’s, Down…
Những người có mẹ và bố tóc bạc sớm sẽ bạc sớm hơn.
Ngoài ra, các thói quen như nghiện rượu, hút thuốc lá, stress, thức khuya cũng làm nhanh bạc tóc.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn thiếu vitamin B12, vitamin D3, biotin, đồng, kẽm, selenium, sắt…Người có học thức càng cao thì khả năng bị tóc bạc sớm càng nhiều.
Một nghiên cứu trên 6.390 người trong đó có 1.618 người mắc tóc bạc sớm cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình có người tóc bạc sớm và béo phì đến tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc.
Hiện nay, các phương pháp điều trị tóc bạc sớm còn nhiều hạn chế và không đặc hiệu. Đặc biệt là liên quan tới di truyền.
Có một số nghiên cứu đã dùng các lá loại thảo dược giúp cải thiện màu tóc tại Ấn Độ người ta có thể dùng lá cari, còn tại Việt Nam dùng hà thủ ô.
Nhiều người có thói quen nhổ tóc bạc, tuy nhiên bác sĩ Thuỳ cho rằng việc nhổ tóc bạc chỉ áp dụng cho những trường hợp lượng tóc bạc dưới 10%.
Hiện nay, nhuộm tóc được xem là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Thuốc nhuộm được phát minh từ thời Ai Cập cổ đại và được ứng dụng càng ngày càng rộng rãi. Có hai loại thuốc nhuộm:
Thuốc nhuộm không oxy hoá: là loại thuốc nhuộm tạm thời hoặc bán vĩnh viễn, phụ thuộc vào màu của chất nhuộm. Loại này không ngấm sâu vào vỏ tóc mà chỉ có ái lực gắn vào keratin của tóc. Thuốc nhuộm tạm thời thường là những anion có trọng lượng phân tử cao, còn thuốc nhuộm bán vĩnh viễn là những cation có trọng lượng phân tử thấp hơn.
Thuốc nhuộm oxy hoá: gồm thuốc bán vĩnh viễn và vĩnh viễn, có phản ứng hoá học diễn ra giữa thuốc nhuộm và tóc, tạo màu cho tóc. Loại này có tác dụng kéo dài hơn, khó bị rửa trôi bởi nước.
Tuy nhiên, bác sĩ Thuỳ cho rằng thuốc nhuộm có nguy cơ gây ra viêm da tiếp xúc do para-phenylenediamine (PPD) và một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư nói chung tăng (đặc biệt là ung thư buồng trứng, ung thư não và hệ máu) ở những người dùng thuốc nhuộm tóc thường xuyên.
Về dinh dưỡng, bác sĩ Thuỳ khuyến cáo có thể bổ sung thêm các vitamin và chất khoáng như bitotin, calci, kẽm, đồng, selenium và chế độ ăn nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống oxy hoá có thể làm chậm quá trình tóc bạc.
Khánh Chi