Cơn "sốt" thổi giá đất có nơi tăng gấp đôi, Bộ yêu cầu công khai quy hoạch
Giá đất nền tăng nhiều nơi tăng 20-50%, có nơi tăng gấp đôi sau Tết, dù chủ yếu là mua bán cọc. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin về thị trường bất động, quy hoạch, dự án lớn...
Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua giá đất tăng khắp nơi, nhưng thực chất giao dịch thực rất ít, chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay. |
Giá đất tăng khắp nơi nhưng giao dịch thực rất ít
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2021, trong đó đáng chú ý là tình hình phát triển nóng của phân khúc đất nền.
Theo đó, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP Hồ Chí Minh (TP Thủ Đức), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…
Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50 triệu/m2. Bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.
Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà đất ở khu vực TP Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay.
Đơn cử, trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên từ 70 - 90 triệu đồng/m2, thậm chí 100 triệu đồng/m2.
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao. Điển hình như vùng ven Hà Nội: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai),…
“Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Cùng với đó, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn. Chẳng hạn như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...
Yêu cầu kiểm soát, tránh “sốt” đất nền lan rộng
Bộ Xây dựng cho rằng, cần có sự theo dõi kiểm soát của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng “sốt” đất nền lan rộng, dẫn đến mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản.
Do đó, Bộ này yêu cầu các địa phương phải khẩn trương thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiện tượng “sốt” đất, kiểm soát, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn. Cụ thể như hoàn thiện phê duyệt các đồ án quy hoạch; trong đó, chú trọng tới các dự án phát triển đô thị, nhà ở đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Các địa phương cũng cần công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, quy hoạch, tiến độ triển khai những dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… để minh bạch thông tin; ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Cùng với biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, các địa phương cần kiểm soát việc mua đi, bán lại trao tay nhiều lần; thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là dự án “ma”, không đủ hồ sơ pháp lý cũng như điều kiện kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng yêu cầu thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục về đầu tư, giao đất, xây dựng, kinh doanh và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng triển khai các dự án; đầu tư dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội để sớm đưa vào khai thác, sử dụng nhằm tăng nguồn cung, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Minh Thư
Cơn "sốt đất": Hiệu ứng đám đông và tư duy "được ăn cả, ngã...bỏ cọc"
Hầu hết các nhà đầu tư bị "sa lầy" trong cơn sốt đất ảo không quá quan tâm đến việc quy hoạch có thật hay không, bao lâu nữa mới thành hiện thực, mà chỉ quan tâm đến việc "lướt sóng" theo đám đông.