Con gái học vấn cao là mối đe dọa đối với hạnh phúc gia đình?
Các em gái thường phải nhường việc học lên cao cho anh hoặc em trai |
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: Bất bình đẳng giới trong giáo dục tại Việt Nam vẫn tồn tại. Phụ nữ ít được đi học hơn nam giới. Theo đó, nam giới có ý định học lên cao nhiều hơn so với phụ nữ.
Trong khi đó, phụ nữ thường gặp trở ngại trong con đường tiếp tục học cao lên vì các lý do liên quan tới gia đình như kết hôn, sinh con và phụ giúp các việc nội trợ trong gia đình hơn nam giới.
Đưa ra kết luận này, TS Hồng đã dựa trên kết quả nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định Bất bình đẳng giới” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện khảo sát từ năm 2012- 2015. Qua đó, cho thấy 70% phụ nữ có trình độ học vấn chỉ ở mức trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Các em gái thường được trông đợi nhường việc học hành lên cao cho các anh hoặc em trai và có xu hướng bỏ học để chăm sóc gia đình.
TS. Khuất Thu Hồng kể trong quá trình điều tra khảo sát, chị và các cộng sự đã gặp và nghe M. (bạn nữ 20 tuổi ở Hà Nội) tâm sự: Khi em đang học lớp 9 thì bố bị ốm, cả nhà phải tốn rất nhiều tiền chữa trị. Rồi gia đình bị vỡ nợ. Mẹ phải bán đất, các thứ để trả nợ. Cả nhà lúc đấy khốn khổ. Bố mẹ rất vất vả. Em thôi không học nữa sau khi học xong lớp 9 rồi đi làm giúp việc ở Hà Nội. Mỗi tháng em gửi về nhà 3 triệu đồng giúp bố mẹ. Em muốn anh mình tiếp tục học cấp 3. Dù sao thì anh ấy cũng học giỏi hơn mình. Anh ấy học hết thì tốt hơn. Bây giờ anh đang học cao đẳng công nghệ. Em đã rất vui vì đã giúp biến ước mơ của anh thành sự thật”.
Phụ nữ học vấn cao hơn đe dọa hạnh phúc gia đình?
TS Hồng cũng cho biết thêm: "Qua kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, định kiến giới trong giáo dục vẫn còn khá phổ biến. Nhìn chung phụ nữ thường bị coi là có khả năng học tập thấp hơn nam giới và không giỏi bằng nam giới trong khoa học tự nhiên. Đáng buồn là vẫn còn quan niệm, phụ nữ học cao bị coi là mối đe dọa đối với hôn nhân và quan hệ hôn nhân của họ.
Trong mối quan hệ giới truyền thống của một cặp vợ chồng, vị trí của người chồng thường được đề cao hơn vị trí của người vợ. Điều này được coi là “bình thường” và “tự nhiên”. Mọi người tin rằng mối quan hệ thứ bậc như vậy là cần thiết để có một gia đình ổn định và hạnh phúc. Chính cái quan niệm này đã tạo thành một chuẩn mực hay là một tiêu chuẩn cho nam giới và phụ nữ trong việc lựa chọn bạn đời, đồng thời điều tiết mối quan hệ quyền lực giữa các cặp vợ chồng” – TS Hồng nói.
Chính vì quan niệm trên khiến nhiều người cho rằng, phụ nữ có học vấn cao hơn hoặc vị thế xã hội cao hơn có thể đe dọa sự ổn định và hành phúc gia đình. Sâu xa hơn, học vấn cao hơn hoặc vị thế xã hội cao hơn của người phụ nữ đe dọa vị trí tối cao của người đàn ông trong gia đình. “Nếu quan niệm này không thay đổi, nó sẽ tiếp tục là rào cản chính cho phụ nữ và việc giảm khoảng cách giới”’- TS Hồng nhấn mạnh.
Dẫn chứng cho điều này, TS Hồng đưa ra ý kiến từ một cuộc thảo luận nhóm tại thành phố Hồ Chí Minh. Một chị thành viên trong nhóm thảo luận đã kể lại: Có cặp vợ chồng trong khu nhà của tôi. Người vợ có học vị cao hơn và thành đạt hơn người chồng nên cô này được thăng chức lên làm giám đốc. Nhưng như thế người chồng lại không vui và vì thế gia đình đâm ra không hạnh phúc. Sau một thời gian thì cô vợ này nghỉ việc và đề xuất cho anh chồng lên làm giám đốc. Mọi việc từ đó suôn sẻ hẳn. Cô vợ tâm sự: Thà bất bình đẳng giới còn hơn gia đình tan vỡ. Thế nghĩa là người vợ khôn ngoan nên luôn hạ thấp mình hơn chồng”.
“Chính những quan niệm này đã hạn chế các cơ hội của phụ nữ và các em gái trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và chính trường”- TS Hồng kết luận.
Cuộc nghiên cứu do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện khảo sát được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ mùa hè năm 2012 đến tháng 3 năm 2014. Giai đoạn 2 từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 9 năm 2015.
Khảo sát được thực hiện với 4212 nam giới và 4212 phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 65 tại 9 tỉnh/thành phố đại diện 3 khu vực: Bắc- Trung- Nam gồm: Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ (miền Bắc); Đà Nẵng, Lâm Đồng và Bình Thuận (miền Trung); TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Tây Ninh (miền Nam).