Con gái 'chạm nhẹ' môi bạn trai nhưng bị viêm nhiễm 'vùng kín', mẹ hốt hoảng đòi đối chất
Điều này làm cho người mẹ trẻ hết sức ngỡ ngàng, chị không tin lời con nói. Chị chất vấn con liên hồi, thậm chí còn bắt con đưa bạn trai mới quen đến để “ba mặt một lời” xem hai đứa đã quan hệ tình dục hay chưa?
“Con bé nhất định không đưa bạn trai đến, nó thề sống thề chết chưa từng làm gì. Thậm chí chúng chỉ mới thích thích chứ cũng chưa từng nói lời yêu nhau nên không thể đi xa hơn được. Vậy mà không hiểu sao, con bé lại ngứa đỏ vùng kín. Không biết nguyên nhân do đâu?”, chị Huệ nói khi đưa con đến viện khám.
Chia sẻ với tình cảnh chị Huệ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết trường hợp bé Diệp Vi không phải là hiếm gặp.
Qua thực tế thăm khám, bác sĩ gặp không ít nữ giới tuổi còn trẻ, cho rằng khi chưa quan hệ tình dục thì không mắc các bệnh phụ khoa nhưng thực tế không phải như vậy.
“Chị em phụ nữ tuổi còn trẻ, chưa có quan hệ tình dục cũng dễ bị viêm nhiễm âm đạo nếu mắc phải những sai lầm khi chăm sóc vùng kín như: vệ sinh vùng kín không đúng cách, mặc quần lót quá chật, chất liệu không phù hợp khiến vùng kín bí khí tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát sinh…
Trong quá trình khám, tôi cũng đã gặp những trường hợp chưa quan hệ tình dục nhưng bị viêm nhiễm vùng kín nặng phải điều trị do thói quen sinh hoạt hàng ngày”, BS Thanh Hải nói.
Theo đó, vị bác sĩ này trực tiếp thăm khám và điều trị cho nữ sinh 16 tuổi nhưng bị viêm nặng, toàn bộ vùng mu của nữ sinh sưng đỏ, ở gốc những nang lông còn ứ mủ…
“Bệnh nhân bị viêm nang lông vùng kín do thường xuyên cạo lông mu. Nguyên nhân là do nhiễm khuẩn từ dao cạo hoặc do xây xát da tạo đường vào của vi khuẩn.
Hay một trường hợp khác cũng bị viêm nang lông vùng kín do mặc quần áo chật làm tăng ma sát giữa da và quần áo, mồ hôi đổ nhiều tạo môi trường ẩm ướt thích hợp cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Nhiều trường hợp không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nhọt, áp xe phải tiểu phẫu để dẫn lưu mủ.
Hay như trường hợp phải nhập viện điều trị vì viêm âm đạo nặng do đi bơi nhiều ở ao, hồ, ngâm mình lâu trong vùng nước bẩn”, BS Thanh Hải cho hay.
Bác sĩ chuyên sản khoa cảnh báo, tình trạng viêm âm đạo ở người chưa quan hệ tình dục khá khó điều trị và dễ tái phát do không thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo. Tuy nhiên, qua thực tế thăm khám BS Hải nhận thấy nhiều chị em, đặc biệt các bạn gái trẻ thường mắc các sai lầm khi vệ sinh vùng kín dẫn đến những hậu quả không đáng có như: viêm nhiễm, mắc các bệnh phụ khoa… thậm chí ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
Đầu tiên là việc sử dụng xà bông vệ sinh vùng kín. BS Thanh Hải giải thích, xà bông tắm có chứa rất nhiều chất tẩy rửa, chất tạo mùi không tốt cho vùng kín vì khiến môi trường pH trong âm đạo thay đổi, gây khô và tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. “Thay vào đó, phái nữ nên sử dụng các loại nước rửa được thiết kế riêng biệt cho âm đạo để làm sạch hiệu quả mà vẫn giữ được độ cân bằng pH tự nhiên”, BS Thanh Hải hướng dẫn.
Ngoài ra, một thói quen sai lầm của nhiều bạn gái trẻ đó là dùng tay bẩn chạm vào âm đạo. Việc làm nay mang nhiều nguy cơ, bởi tay bẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoặc virus phá vỡ hệ vi sinh âm đạo gây ra viêm âm đạo. Do đó, chị em nên rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng kín để tránh gây viêm nhiễm.
Sai lầm tiếp theo hay gặp phải đó là các bạn gái nói riêng, chị em nói chung mặc quần chip quá chật với chất liệu tổng hợp. Vải chất liệu tổng hợp không thông thoáng, có khả năng giữ lại độ ẩm bên trong nên sẽ tạo điều kiện gây nấm hoặc nhiễm khuẩn vùng kín.
“Để giữ vệ sinh vùng kín, bạn nên lựa chọn chất liệu cotton vì ưu điểm thoáng khí, giúp vùng kín luôn mát mẻ và khô ráo. Bên cạnh đó, quần lót phải vừa vặn, không quá chật hoặc quá lỏng. Mặc quần quá chật sẽ khiến vùng kín gò bó, khó chịu, âm hộ bí hơi và không có sự lưu thông không khí dẫn đến âm đạo bị kích ứng, ngứa và có mùi khó chịu”, BS Thanh Hải nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, BS Thanh Hải cũng chỉ ra sai lầm tiếp theo là việc vệ sinh vùng kín khi có kinh nguyệt không đúng cách (thời gian thay băng vệ sinh kéo dài, vệ sinh không đúng cách…). Vì vậy, trong thời gian hành kinh, chị em phụ nữ cần rửa vệ sinh vùng kín ít nhất 4 lần/ngày; trước khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ; nước rửa vệ sinh phải là nước sạch, không được rửa bằng nước ao, nước sông; không sử dụng chậu để ngâm vùng kín và rửa; sau khi rửa cần thấm khô vùng kín; thay băng vệ sinh 4-6 giờ/lần, nếu kinh nguyệt ra nhiều có thể thay nhiều hơn.
“Khi vệ sinh âm hộ hoặc sau khi đi vệ sinh, chị em phụ nữ nên rửa từ trước ra sau, rửa âm hộ trước rồi đến hậu môn, nếu không sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục hay nhiễm trùng đường tiểu”, BS Thanh Hải hướng dẫn.
Điểm cuối cùng bác sĩ Thanh Hải cũng lưu ý không bơi ngay sau khi triệt lông. Bởi làn da vùng kín sau khi mới được làm sạch sẽ trở nên rất nhạy cảm và dễ nhiễm khuẩn, nhất là khi tiếp xúc thời gian dài với nước, chưa kể nước trong bể bơi có rất nhiều vi khuẩn, chất tẩy rửa (Clo) dễ khiến vùng kín bị kích ứng. Vì vậy, các chị em không nên bơi sau khi triệt lông mà nên đợi ít nhất 24-48h để làn da dần hồi phục.
N. Huyền