Mẹ rối bời biết con trai tuổi dậy thì lén chơi game online, nghi con làm việc mờ ám
Chị Mỹ Anh cho biết con trai của chị sinh năm 2008. Chị vừa phát hiện con giấu bố mẹ chơi game online. Thậm chí con còn nạp tiền cho mấy anh lớn tuổi trên mạng và bị lừa.
“Chắc chắn là có lấy trộm tiền của mẹ mới có tiền nạp thẻ. Giờ mình không biết nên làm thế nào để con có thể bỏ hẳn game online, tập trung vào việc học. Các anh chị đã có ai gặp tình huống như con mình chưa? Mình đang rối quá không biết xử trí sao cho hợp với cái tuổi dở dở ương ương này?”, chị Mỹ Anh xin tư vấn từ các bậc phụ huynh khác trên mạng xã hội.
Dưới dòng trạng thái của người mẹ này, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ tình huống tương tự của gia đình mình. Trong đó có người cho biết nhà mình không chỉ một mà cả hai con đều nghiện game. "Đi học thì chớ, về là đóng cửa phòng, cắm mặt vào điện thoại. Thậm chí ngồi ăn cơm cũng không rời mắt khỏi màn hình", một phụ huynh nêu.
Từ đó cũng có nhiều gợi ý cách xử lý được đưa ra. Trong số này có ý kiến của chị Trần Thu Hà cho rằng, người mẹ nên bình tĩnh xử lý vấn đề một cách từ từ, bởi con trai đã 15 tuổi, nếu làm "căng" có thể phản tác dụng.
Ảnh minh họa |
Chị Thu Hà đưa ra lời khuyên: “Đầu tiên mẹ phải nhẹ nhàng nói chuyện cùng con, hỏi về việc con có chơi game hay không, hỏi về loại game con chơi... rồi tìm hiểu sao con lại nạp tiền trước, sau đó mới hỏi về nguồn tiền.
Tiếp theo mẹ nên nói chuyện nhẹ nhàng với con về quan điểm của mình khi con chơi game không sai- nhưng nạp tiền quá nhiều (nhiều game phải nạp tiền mua đồ là đương nhiên) thì cần xem xét lại.
Nếu thực sự con lấy trộm tiền của mẹ, hãy nói với con về việc tiền đó lớn nhỏ, có ý nghĩa thế nào với mẹ trong chi tiêu gom góp gia đình.
Về việc bé bị lừa, mẹ cũng nên hỏi rõ, sau đó cùng con phân tích rằng có lừa có khôn, giờ nếu con hiểu ra vấn đề thì nên rút kinh nghiệm”.
Chị cũng cho rằng chị Mỹ Anh nên yêu cầu con dừng trò chơi này lại một thời gian, suy nghĩ về việc học của con trước để giải toả đi cơn bức xúc con bị lừa.
Theo quan điểm cá nhân, chị Thu Hà nhận định bé trai năm nay lớp 9 đang tuổi dậy thì nên người mẹ không nên cấm con tuyệt đối không chơi game hay khùng lên mắng nhiếc việc bé trộm tiền vì đôi khi sẽ phản tác dụng.
Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị nghiện game online. Thậm chí còn có sự tuyên truyền nhau “chơi game mà vẫn học giỏi”, “các phụ huynh cứ để con giải trí”… làm cho các phụ huynh tưởng thật.
“Đây là nhận thức hết sức sai lầm từ chính phụ huynh mà không phòng bệnh cho con”, TS Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh.
Theo bác sĩ, nếu không ngăn chặn kịp thời, cứ để con tiếp tục chơi game thì đến một lúc nào đó trẻ sẽ nghiện. Nếu trẻ tự thôi được là do “ăn may” còn không hầu hết trẻ sẽ mắc hội chứng suy giảm nhận thức.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Khi nghiện game, học sinh sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát.
Các chuyên gia y tế nhận định, trẻ nghiện game online thường dành nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo. Trong đó có nhiều trò mang màu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực.
Thực tế đã có nhiều trường hợp, trẻ em mê chơi game hành động mạnh đã bắt chước hành động như nhân vật trong game như: đánh, đấm nhau hoặc dùng những lời lẽ tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi.
Do đó, TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho rằng quan trọng là bố mẹ phải kiểm soát, đặc biệt với những trẻ bé. Bố mẹ cứ bỏ mặc, cho rằng chơi một tý không sao sẽ để lại hệ luỵ nặng nề.
"Chơi một rồi muốn chơi hai, ngay cả người lớn khi chơi thử cũng mê ngay. Nhưng người lớn nhân cách đã được hình thành, họ có nhiều áp lực, nhiều mối quan tâm khác nên cũng nhanh chóng dứt ra được. Còn đối với trẻ con thì khác hoàn toàn, chúng không phải người lớn thu nhỏ. Não trẻ còn non nớt nên khi nghiện game sẽ không phát triển được.
Do đó, cần phải làm những biện pháp mạnh (nếu bảo không được thì phải cưỡng chế, đã thôi không chơi game online là thôi hẳn, còn thôi từ từ thì hầu như không có kết quả. Dứt là dứt ngay, nhất là những trẻ mới chớm cần phải cấm triệt để. Bởi khi đã thành thói quen sẽ rất khó bỏ, chưa nói nghiện hay không nghiện, nhưng đã thành thói quen rồi thì rất mất thời gian.
Việc từ bỏ thói quên đâu dễ mà từ thói quen đến nghiện đâu quá xa. Trẻ nghiện game không chỉ mất đi những gì đang có mà còn phát sinh thêm những hậu quả không thể lường trước. Cho nên phòng bệnh phải hơn chữa bệnh”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh.
Do đó, để giúp trẻ "cai" nghiện game, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên, khi ở nhà, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự, vui chơi cùng con, giảm cảm giác nhàm chán cho trẻ vì thiếu không gian và không có người chơi cùng. Phụ huynh nên quản lý và quy định thời gian, thời điểm sử dụng thiết bị điện tử.
* Tên nhân vật Mỹ Anh đã được thay đổi.
N. Huyền