‘Con đường Tơ lụa’ ở Bắc Cực trở nên phụ thuộc vào Nga
Tham vọng của Trung Quốc với dự án “Con đường Tơ lụa” ở Bắc Cực đang bị đe dọa trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng.
Theo đó, hai thành viên của Hội đồng Bắc Cực ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc, và ba nước khác cũng đã gián tiếp có những hành động tương tự. South China Morning Post (SCMP) cho rằng, tất cả các dự án của Trung Quốc trong khu vực này đều đang bị đe dọa. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn một lựa chọn nữa là Nga và tuyến đường biển phía Bắc của nước này.
Bắc Cực “đóng cửa” đối với Trung Quốc
Ba năm trước, Trung Quốc đã trình bày một dự án đầy tham vọng mang tên “Con đường Tơ lụa” trên biển liên quan đến việc mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực. Bắc Kinh đã có thể đạt được một số tiến bộ, nhưng ngày nay các kế hoạch bị cản trở bởi mối quan hệ căng thẳng với phương Tây.
Nga coi Bắc Cực là sân sau và có hàng loạt lợi ích về an ninh ở đây. (Ảnh: Pixabay.com) |
Được biết, Hội đồng Bắc Cực, nơi giải quyết các vấn đề ở khu vực này, bao gồm Mỹ, Nga, Canada, cũng như các quốc gia châu Âu - Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển. Trung Quốc có tư cách quan sát viên trong Hội đồng.
Trước đây, điều này đã đủ để thúc đẩy lợi ích của Hội đồng. Tuy nhiên, vào tháng 3/2021, Mỹ và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) cũng gián tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt. Đây là lý do tại sao ngày nay tất cả các tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực đang bị đe dọa.
“Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường quan hệ với Moscow. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể trông chờ vào sự hỗ trợ vô điều kiện của Nga”, SCMP nhận định.
Sự phụ thuộc vào Nga
Quan hệ căng thẳng với phương Tây về mặt khách quan đang thúc đẩy Trung Quốc và Nga tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn, bao gồm cả ở Bắc Cực. Chính nhờ liên minh với Moscow mà Bắc Kinh mới có thể thực hiện dự án “Con đường Tơ lụa vùng Cực". Ngày nay, Trung Quốc đang đặt hy vọng đặc biệt vào việc Nga sẽ làm chủ tịch Hội đồng Bắc Cực trong hai năm, bắt đầu từ tháng 5/2021.
Trung Quốc trước đây đã dựa vào Nga trong vấn đề này, chẳng hạn, bằng cách mua cổ phần trong dự án Yamal LNG của Nga và đầu tư vào tuyến đường biển phía Bắc. Nhưng đồng thời, Bắc Kinh cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, Phần Lan và Canada. Ngày nay các khoản đầu tư này đang bị phong tỏa. Bây giờ Trung Quốc chỉ có thể dựa vào Nga, do đó với trường hợp này cũng có thể rất nguy hiểm.
“Nga có những cân nhắc riêng về khu vực Bắc Cực, bao gồm cả quan hệ với Mỹ”, ông Wang Chuanxing chuyên gia về khoa học chính trị từ đại học Đồng Tế, Trung Quốc cho biết.
Theo SCMP, do đó không nên chờ đợi những hợp đồng đơn phương có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ và tính đến lợi ích của Nga. Hơn nữa, “Con đường Tơ lụa vùng Cực" đang trở nên phụ thuộc vào Nga với tư cách là đồng minh thực sự duy nhất của Bắc Kinh trong khu vực này.
Cũng theo chuyên gia Chuanxing, Bắc Kinh không thể hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nga để mở rộng khả năng tiếp cận tại Bắc Cực.
“Trung Quốc sẽ cần phát triển cả quan hệ song phương và quan hệ liên chính phủ ở cấp độ hội đồng để thúc đẩy các kế hoạch”, ông Chuanxing nói.
Trước đó, hôm 29/3 của Bộ Năng lượng Nga cho rằng, với sự gia tăng của hoạt động vận chuyển năng lượng toàn cầu, trong đó có LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng), việc mở ra những tuyến vận tải mới trở thành vấn đề thời gian.
“Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) chạy dọc bờ biển Bắc Cực của Nga, với thời gian lưu thông liên tục gia tăng và đạt tới 9-10 tháng trong năm 2020, có tiềm năng lớn, có thể cắt ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu. NSR có thể vận chuyển LNG, dầu mỏ và các loại hàng hóa khác”, tuyên bố của Bộ Năng lượng Nga cho biết.
Ngay cả trong bối cảnh đại dịch năm 2020, vận tải hàng hóa qua Biển Bắc đã vượt mục tiêu dự kiến và đạt gần 33 triệu tấn hàng hóa, trong đó có hơn 18 triệu tấn LNG. Bộ Năng lượng Nga dự kiến khối lượng vận tải hàng hóa hàng năm có thể tăng cao hơn, và đến năm 2040 có thể đạt 80 triệu tấn.
Quan chức Đức kêu gọi tạm dừng Nord Stream 2?
Điều Phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức Peter Beyer đã kêu gọi tạm dừng việc xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), vì dự án này cản trở việc khởi động lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Thanh Bình (lược dịch)