Vì sao Mỹ tiếp tục hiện diện ở Afghanistan?
Hãng tin RIA dẫn lời các chuyên gia cho biết, Mỹ không vội vàng rút quân khỏi Afghanistan, vì họ coi việc duy trì sự hiện diện của quân đội ở nước này là quan trọng trong chiến lược để kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2020, tại một buổi lễ ở Qatar, Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình đầu tiên trong hơn 18 năm chiến tranh, trong đó quy định việc rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan trong 14 tháng và bắt đầu một hiệp định hòa bình, cũng như các thỏa thuận trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ khó đáp ứng thời hạn đã thống nhất để rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 1/5.
“Là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm tước quyền tiếp cận và kiểm soát các thị trường năng lượng của Nga và Trung Quốc, cũng như tìm kiếm đồng minh ở biên giới phía Nam của Moscow, nên có khả năng Mỹ đã sẵn sàng hợp tác trở lại với Taliban”, cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc - Trung tá Không quân Mỹ về hưu Karen Kwiatkowski cho biết.
Theo bà Kwiatkowski, việc trì hoãn rút quân sẽ cho phép Washington gây áp lực lên Taliban và đạt được những mục tiêu này. Đồng thời là kết quả của các cuộc đàm phán được cho là phi quân sự để duy trì sự hiện diện ở Afghanistan.
Chính phủ mới của Mỹ vẫn đang xem xét lại thỏa thuận năm 2020 với Taliban nên hiện vẫn chưa rõ về thời gian quân đội NATO sẽ tiếp tục đồn trú tại Afghanistan. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, theo nhà sử học và nhà bình luận chính trị Dan Lazar, nhiều chính trị gia Mỹ ủng hộ ý tưởng duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan nhằm tiếp tục sử dụng để “phá hủy sự thống nhất của Trung Quốc”.
“Mỹ sẽ mất một tiền đồn ở Trung Á, nơi có thể ảnh hưởng đến các sự kiện với nước láng giềng ở Tân Cương. Điều này gây lo ngại cho các chiến lược của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)”, chuyên gia Lazar chia sẻ.
Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ mới đây đã cảnh báo Tổng thống Biden rằng Afghanistan sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Taliban và các nhóm khủng bố như al-Qaeda nếu tất cả quân đội phương Tây rời khỏi nước này trước khi có thỏa thuận đạt được về sự phân chia quyền lực.
Bà Kwiatkowski cho rằng, mặc dù Mỹ đã làm việc gần 20 năm để tạo ra một chính phủ thống nhất ở Afghanistan, nhưng chế độ hiện tại, do Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo, sẽ ngay lập tức sụp đổ nếu quân đội Mỹ rời đi.
“Nếu chính phủ Afghanistan tồn tại, nhưng không có quyền lực hoặc chỉ tạo ảnh hưởng ở lãnh thổ bên ngoài thủ đô, có lẽ nó đã là một chính phủ tan rã. Đây chắc chắn là một sự sụp đổ”, bà Kwiatkowski nói thêm.
Cũng theo cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc, một số quan chức Afghanistan được cho là đã “rút tiền khỏi nước này từ nhiều năm trước và đã phát triển một kế hoạch bỏ trốn hiệu quả”.
Nhà bình luận chính trị Lazar nhận đinh, nhờ vào sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ, nạn tham nhũng đang gia tăng ở Afghanistan, và nhiều năm hỗ trợ quân sự đã khiến các lực lượng Afghanistan rơi vào tình trạng trì trệ hơn so với thời Liên Xô. Tuy nhiên, hậu quả của việc Mỹ có thể rút quân rất đáng lo ngại.
“Hãy thử tưởng tượng hậu quả nếu Mỹ rút quân. Chính phủ Kabul sụp đổ giống như năm 1992, Taliban sẽ thiết lập một loại ‘thể chế nhà nước Hồi giáo’, các nhóm khủng bố chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài trợ khổng lồ từ Saudi Arabia và các nước của Vịnh Ba Tư”, chuyên gia Lazar kết luận.
Trước đó, hôm 25/3, Quốc hội Đức đã mở đường cho việc quân đội nước này tiếp tục ở lại Afghanistan sau ngày 30/4 - thời hạn mà Mỹ và lực lượng Taliban hồi năm ngoái đã nhất trí sẽ rút toàn bộ binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan sau cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm.
Cụ thể, các nghị sĩ Đức đã thông qua một lệnh ủy quyền mới, cho phép quân đội nước này duy trì tới 1.300 binh sĩ ở Afghanistan trong thành phần phái bộ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới ngày 31/1/2022, thay vì đến cuối tháng 3 theo lệnh ủy quyền hiện nay.
Ngay sau đó, hôm 27/3, lực lượng Taliban vừa đưa ra một cảnh báo nhóm này sẽ tiếp tục các hành động thù địch nhằm vào binh sĩ nước ngoài tại Afghanistan nếu như họ không rút khỏi quốc gia này trước ngày 1/5.
Tuyên bố của Taliban được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nắm quyền. Trong cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận sẽ rất khó để có thể rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5 theo như thỏa thuận hòa bình đạt được với lực lượng Taliban một năm trước. Lực lượng Taliban cho rằng nếu Mỹ lỡ hạn rút quân đồng nghĩa với việc Mỹ đã vi phạm các điều khoản bắt buộc trong thỏa thuận.
Ba kịch bản cho sự phát triển quan hệ giữa Ukraine và NATO
Việc Ukraine áp dụng chiến lược an ninh quân sự, thể hiện mong muốn của nước này về một hệ thống an ninh tập thể, không đồng nghĩa phải nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức.
Thanh Bình (lược dịch)