Con đường nào "giải cứu" ĐH Hùng Vương TPHCM?
Trong báo cáo gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 26/2/2016, TS Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng thường trực ĐH Hùng Vương TPHCM trình bày rõ: Ngày 7/3/2012, Bộ GDĐT ban hành quyết định số 945 về việc ngừng tuyển sinh năm 2012 với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM với lý do: “Mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường. Mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục”.
Đến nay đã 4 năm, trường vẫn chưa được tuyển sinh, số lượng sinh viên theo học tại trường giảm dần theo từng năm, hiện tại chỉ còn 50 sinh viên, đến tháng 3 -4/2016 sẽ tốt nghiệp và đến thời điểm này xem như nhà trường đã hết sinh viên để đào tạo.
Bà An cho biết, trong quá trình hoạt động nhà trường đã gặp phải 2 khiếu kiện trong cán bộ (mặc dù các khiếu kiện này đã được xác định không có cơ sở) dẫn đến việc nhà trường không thể đạt được kết quả đồng thuận trong các cuộc họp ở trường. Hiện nay trường hoạt động nhưng khuyết hiệu trưởng, chỉ có các phó hiệu trưởng, trong đó có một phó hiệu trưởng thường trực để điều hành các hoạt động của trường.
Trong điều kiện không còn sinh viên, không còn nguồn thu, 79/105 người đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với trường, còn 26 người không đồng ý thỏa thuận, nhà trường đã quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tổng số sinh viên học tại trường năm học 2012 – 2013 (năm đầu tiên bị dừng tuyển sinh) là 5.214 sinh viên, đến năm học này chỉ còn lại 50 sinh viên trong khi trường vẫn duy trì bộ máy cán bộ, giảng viên như cũ không thay đổi, dẫn đến tổng thâm hụt tài chính là hơn 50 tỷ đồng. Trường đã 2 lần thực hiện đại hội cổ đông nhưng đều không được UBND TPHCM công nhận kết quả cũng như không công nhận các hiệu trưởng do đại hội cổ đông bầu ra.
Ngày 28/3/2015, trường có công văn đề nghị xem xét cho trường tuyển sinh năm 2015. Trên cơ sở thẩm tra báo cáo của trường và báo cáo của UBND TP.HCM ngày 2/6/2015, Trường ĐH Hùng Vương chưa khắc phục được nguyên nhân đình chỉ tuyển sinh do đó chưa có cơ sở để Bộ cho phép trường tuyển sinh trở lại.
Bộ yêu cầu trường khẩn trương khắc phục nguyên nhân dẫn đến ngừng tuyển sinh; chuẩn bị đủ các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.
Đến ngày 31/8/2016 nếu Trường ĐH Hùng Vương vẫn chưa khắc phục được các điều trên sẽ có nguy cơ bị dừng hoạt động.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường đã có báo cáo gửi UBND TPHCM, Liên đoàn lao động thành phố về việc giải quyết vấn đề nhân sự cũng như xin phép thành phố cho trường tổ chức đại hội cổ đông nhằm quyết định tăng vốn điều lệ theo quy định cùng phương án cơ sở vật chất và quyết định nhân sự hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới để trường có bộ máy điều hành.
Bà Tạ Thị Kiều An cho biết, không phải trường không có hướng giải quyết nhưng hiện tại, việc “cứu” trường đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của trường. Nếu trường được tổ chức đại hội cổ đông sớm, kết quả được chấp nhận thì trường mới có vốn, có đất, có hiệu trưởng, có giảng viên, từ đó mới đủ điều kiện để xin chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không, nguy cơ dừng hoạt động, thậm chí giải thể là có thể nhìn thấy trước.