Còn đó những trái tim lính Trường Sa quả cảm

Chiều tối 14/3/2013, hơn 200 cựu chiến binh Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tổ chức họp mặt tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh cách đây 25 năm tại đảo Gạc Ma.
Đây là lần thứ 6, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tổ chức  họp mặt truyền thống để kỉ niệm 25 năm “Sự kiện Trường Sa” (14.3.1988 – 14.3.2013). Năm nay, cuộc hội ngộ của các chiến sĩ hải quân Việt Nam và thân nhân gia đình các liệt sĩ đã từng tham gia xây dựng và bảo vệ Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được tổ chức giản dị nhưng ấm áp tình đồng đội tại nhà anh Nguyễn Phi Độ, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nguyên chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

Ký ức Trường Sa

Trên khoảng đất trống cạnh nhà một cựu chiến binh, tấm phông in hình người lính hải quân bồng súng được căng lên. Ngay bên trên hàng rào lưới đã được cắt bỏ một đoạn để làm lối vào, băng rôn chào mừng phất phới trong tiếng nhạc. Từ các vùng quê, phố xá ở Phú Yên, những người lính Trường Sa một thời về Sơn Thành Đông (Tây Hòa), tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh và ôn lại kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng cầm súng giữ gìn một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn đó những trái tim lính Trường Sa quả cảm - ảnh 1

Các cựu quân nhân Trường Sa họp mặt bên nhau

Từ Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa, các cựu chiến binh Trường Sa có mặt tại điểm hẹn từ rất sớm, để thăm hỏi chuyện trò với đồng đội cũ. Bởi có những người, từ khi xuất ngũ đến nay mới gặp lại nhau. Biết bao chuyện cần nói, biết bao tâm tư chất chứa trong lòng cần chia sẻ. Và biết bao kỷ niệm của đời lính giữa sóng gió trùng khơi được đánh thức trong tâm hồn những người vẫn coi Trường Sa là máu thịt của mình.

Hơn 20 năm rời quân ngũ trở về với đời thường, diện mạo những người lính ngày ấy đã ít nhiều thay đổi, như anh Phạm Văn Mười ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa). Nhập ngũ vào tháng 8/1986, anh Mười làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, sau đó qua các đảo: Đá Lát, Sinh Tồn, An Bang, Tiên Nữ. Rõ mồn một trong anh là cảm giác bỡ ngỡ khi cùng đồng đội lên tàu ra Trường Sa. Biển lặng sóng, trải ra một màu xanh biếc; đàn cá heo tinh nghịch bơi theo tàu… Anh Mười thổ lộ: “Tôi nhớ nhất là quãng thời gian ở đảo Tiên Nữ. Lần đó công binh chúng tôi có nhiệm vụ ra đảo xây nhà chòi. Chúng tôi đi vào ban đêm. Khi tàu đến gần đảo Tiên Nữ, không có ca nô để vào, chúng tôi đi bằng xuồng 7 tấn. Cách đảo chừng 100m, một người trong nhóm bơi vào đảo cột dây, sau đó kéo xuồng vô. Xuồng cặp mép đảo, anh em xuống, tôi đứng vịn xuồng, tay cầm đuốc. Sóng đánh mạnh, xuồng đập mạnh vào người… Hơn 3 tháng làm việc trên đảo Tiên Nữ, thiếu thốn đủ thứ nhưng anh em vẫn rất lạc quan, không nản lòng. Tuổi trẻ mà! Nước rút, chúng tôi vô đảo làm việc, nước lên thì ra tàu. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi về đơn vị đúng vào ngày 29 tết”.

Với anh Nguyễn Hồng Trung, người nhập ngũ vào tháng 2/1986 và làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết suốt 27 tháng, ký ức về quãng đời cầm súng canh giữ phần máu thịt của Tổ quốc dường như vẫn còn tươi rói. “Mùa nắng, thiếu nước ngọt trầm trọng. Một lon sữa bò đựng nước ngọt, 6 người chia nhau tắm mà vẫn mừng” - anh Trung kể. Vậy thì những người lính đảo xoay xở như thế nào với lon nước đó? “Trước hết, anh em tắm bằng nước biển, sau đó lấy khăn nhúng vô nước ngọt, vắt cho thật ráo rồi mới lau lên người. Bằng cách đó mà 6 người chia nhau một lon nước” - anh Trung mỉm cười.

Theo hồi ức của người cựu chiến binh này, trong một năm, những người lính canh giữ đảo thiếu nước ngọt khoảng 5 tháng, bắt đầu từ tháng 3. Khi mùa mưa sắp đến, anh em xây hồ chứa nước để dùng. Cơn mưa đầu mùa kéo dài 6, 7 tiếng đồng hồ, hạt nào hạt nấy to như hạt sỏi. Hồ nhanh chóng đầy nước và những người lính xách nước sang qua hồ khác. “Xách nước trong mưa cũng phải mặc áo, vì hạt mưa to, xoáy và da rất đau” - anh Trung nhớ lại.

Trong số các cựu chiến binh Trường Sa họp mặt vào chiều 14/3 tại Sơn Thành Đông, người có kỷ niệm khó quên nhất là anh Trần Văn Hùng. Nhập ngũ năm 1985, anh được phân công làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Chiều nọ, sau khi bắn xong và cùng đồng đội kéo pháo về, anh Hùng bị pháo chèn lên cả hai chân, bất tỉnh. Xương đùi trái trái gãy, chân phải sau đó bị hoại tử, anh Hùng nằm ở đảo một tuần rồi được đưa về đất liền. Trải qua 5 lần phẫu thuật, anh bị mất một chân. Người đàn ông sinh năm 1967 này đến giờ vẫn chưa lập gia đình, đang sống với mẹ già 71 tuổi ở phường 9 (TP Tuy Hòa).

Nghĩa tình lính đảo

Năm 2008, tròn 20 năm sau khi các đồng chí, đồng đội ngã xuống trong cuộc chiến ngày 14/3/1988, các anh Nguyễn Hồng Trung, Nguyễn Thanh Hòa,  anh Đào Thái Thi… vào Nha Trang (Khánh Hòa) dự buổi gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa. Thấy hoạt động này thật ý nghĩa, các anh bàn nhau tổ chức gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, và họ chỉ có chừng 10 ngày để chuẩn bị. Lần gặp mặt đầu tiên được tổ chức tại nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư ở xã Hòa Phong (Tây Hòa) - một trong hai người con Phú Yên đã ngã xuống trong cuộc chiến ngày 14/3/1988, đúng vào ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư. Từ đó đến nay, vào ngày 14/3, buổi gặp mặt cựu chiến binh Trường Sa lại được Ban liên lạc tổ chức trong không khí ấm áp nghĩa tình của những người lính, trong hoài niệm về những đồng đội mãi mãi nằm lại giữa đại dương… Năm nay, buổi họp mặt được tổ chức tại xã Sơn Thành Đông, nơi cựu chiến binh Nguyễn Phi Độ đang sống. Anh Độ không có mặt bằng, rất may bên cạnh nhà có khoảng đất trống của người cháu. Thế là bàn ghế được đưa đến đó, lại có cả dàn âm thanh và một cây đàn. Thế là đủ cho cuộc gặp mặt của những người từng mặc áo hải quân.

Còn đó những trái tim lính Trường Sa quả cảm - ảnh 2

Còn đó những trái tim lính Trường Sa quả cảm - ảnh 3
Về với cuộc sống đời thường, các cựu quân nhân Trường Sa vẫn sống đầm ấm trong tình đồng đội thiêng liêng


Hôm đó, phải đến 6 giờ chiều buổi lễ mới bắt đầu. Hơn 200 cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên đã có mặt; đại tá Nguyễn Như Trí, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cũng đã có mặt, song “Ban tổ chức” còn chờ khách ở xa. Đó là 20 cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa. Anh Trung cho biết, năm nào Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Khánh Hòa cũng về Phú Yên tham dự buổi gặp mặt, năm nay cũng vậy. Trước khi đến Sơn Thành Đông, họ đến thăm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư và thắp hương cho đồng chí, đồng đội của mình.  Rồi tất cả hội ngộ đông đủ, đại diện gia đình hai liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện bảo vệ Gạc Ma 14/3/1988 là Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh (ở phường 9, TP Tuy Hòa) cũng đến dự. Sau khi chào cờ, những người lính trở về từ Trường Sa năm ấy lắng lòng tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, đã hòa máu đỏ vào bao la đại dương, vì biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng.


Trong buổi gặp mặt, anh Huỳnh Văn Trong, chấp hành viên ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, người từng nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146 đóng quân ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết: “Năm nào các cựu chiến binh Trường Sa cũng đến thắp hương, dự đám giỗ hai liệt sĩ Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh. Năm 2011, anh em tặng chiếc xe lăn cho thương binh Nguyễn Văn Hùng”. Mới biết dù trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mỗi việc song những người lính Trường Sa ngày ấy luôn quan tâm đến đồng đội, từ người đã ngã xuống cho đến người còn sống.

Buổi gặp mặt đã đưa những người từng mặc áo hải quân trở về thời tuổi trẻ, khi họ phơi phới ra khơi giữ biển đảo của nước nhà, khi họ đối mặt với bao thiếu thốn gian khổ, bao hiểm nguy giữa đại dương mênh mông mà không đắn đo chuyện sống chết, như anh Nguyễn Phi Độ đã thổ lộ: “Ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nếu có hy sinh cũng là chuyện bình thường…”. Còn anh thương binh Nguyễn Văn Hùng nói: “Anh em đồng đội lúc nào cũng nhớ về Trường Sa, cũng dành cho nhau tình cảm chân thành. Mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ tấm lòng của anh em đồng đội…”

Theo anh Nguyễn Hồng Trung, cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên có cả nghìn người; chỉ riêng số người đi vào tháng 2/1986 đã lên đến 450. Rời quân ngũ, có những người ổn định cuộc sống, thậm chí trở nên khá giả, song bên cạnh đó  cũng có không ít người vẫn còn nhọc nhằn, vất vả. Anh Phạm Văn Mười là một ví dụ. Người cựu chiến binh này không thể làm được việc nặng bởi căn bệnh viêm khớp; vợ anh cũng bị viêm đa khớp đã nhiều năm nay. Hai vợ chồng, hai đứa con sống trong căn nhà cũ xây dựng từ năm 1973, đến nay cột kèo đã bị mối đục. Chi hội Cựu chiến binh thôn Bàn Nham Bắc đã kiến nghị chính quyền xã Hòa Xuân Tây xóa nhà tạm cho gia đình anh Mười.

Hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Khính ở thôn Mỹ Thuận, xã Hòa Đồng cũng khó khăn. Anh Khính mắc bệnh tim hơn 10 năm nay, có thời gian không nói được vì quá mệt. Gia đình chỉ có 600m2 ruộng, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con đang tuổi ăn học (trong đó con đầu đang học đại học năm thứ nhất) chỉ biết dựa vào đồng lương của vợ anh - người đang làm việc tại Trạm Y tế xã Hòa Đồng. Một cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ, bị tai nạn mất một chân, đang ngày ngày cùng vợ bán bắp nướng trên vỉa hè đường Hùng Vương. Và còn một số hoàn cảnh khác mà mỗi khi nhắc đến, đồng đội lại thấy chạnh lòng.

Ôi những người lính đã ra đi từ những xóm nghèo bình yên, đã vững vàng ta súng giữa khơi xa đầy bão tố để máu thịt của Tổ quốc được vẹn toàn, để chúng ta có những ngày tháng bình yên bên người thân! Càng trân trọng, yêu thương từng tấc đất, từng ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, hòn đảo của Tổ quốc, chúng ta càng không được phép quên những người lính đã ngã xuống, đã từ trong khốc liệt trở về.
Đại tá Nguyễn Như Trí, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: “Về với đời thường, mỗi người một nơi, những người lính Trường Sa vẫn nhớ đến đồng chí đồng đội trong những năm tháng gắn bó, cùng nhau bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đó là tình nghĩa rất sâu sắc. Dù ở xa hay gần, anh em đều về đây họp mặt, thăm hỏi, động viên nhau giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất của người công dân Việt Nam có trách nhiệm đối với Tổ quốc và động viên con cháu sau này phát huy những phẩm chất, truyền thống đó, tiếp tục giữ gìn, bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập tự do”.
Phương Trà

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !