“Cơn điên” đầu cơ chứng khoán và nỗi sợ “bóng ma” 2008 quay lại
Dòng tiền quá hung hãn, mua bán bất chấp, đảo lộn nhiều giá trị cơ bản của hoạt động đầu tư, DN thua lỗ cổ phiếu càng tăng cao, thanh khoản liên tiếp kỷ lục, đang làm nhiều người liên tưởng đến bóng ma năm 2007 - 2008 quay lại...
Dòng tiền quá hung hãn, mua bán bất chấp, đảo lộn nhiều giá trị cơ bản của hoạt động đầu tư, doanh nghiệp thua lỗ cổ phiếu càng tăng cao, thanh khoản liên tiếp kỷ lục, đang làm nhiều người liên tưởng đến bóng ma năm 2007 - 2008 quay lại.
Sau cú sụp đổ đi vào lịch sử của năm 2007 - 2008, 15 năm sau, giới đầu tư chứng khoán mới chứng kiến lại một lần nữa sự “điên rồ” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tình trạng bỏ việc đi đánh chứng khoán bắt đầu trở nên như cơm bữa, thậm chí, ngay cả những người cả một đời chưa từng biết đến “ba chữ cái” là mã cổ phiếu của doanh nghiệp nào trên sàn nhưng mua la liệt, chỉ cần được phím có game, hàng có lái là mua, bằng mọi giá, bất chấp. Thế nên mới có chuyện bi hài, cười ra nước mắt khi người ú ớ vớ được cổ tăng bằng đơn vị lần bỗng chốc trở thành “anh hùng”, còn kẻ cả đời dành thời gian tính P/E, EPS, phân tích giá trị đích thực của doanh nghiệp lại “thua lỗ” đắng cay.
Hà Đông, những ngày đầu mùa đông Covid- thứ hai không khí buồn thiu, phố vắng tênh nhạt nhẽo, trái ngược hẳn với không khí sôi nổi, tưng bừng hoạt náo trong quán Highland nằm thu gọn trong góc đường Lê Trọng Tấn. Ở đó, Tùng và những người bạn chí cốt của mình đang lên gân lên cốt chuẩn bị cho một “trận chiến” tiếp theo. Đỗ Tùng, sinh năm 1990, trước khi biết đến kênh đầu tư chứng khoán, là một người làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh.
Tùng kể, cuối tháng 4 năm 2021, khi đó giãn cách xã hội, thất nghiệp ở nhà, Tùng được người bạn hàng xóm rủ đánh chứng khoán. Nạp vào tài khoản 50 triệu đồng, Tùng mua được 100 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát, sau một thời gian bán ra có lãi. Thấy đầu tư chứng khoán thật đơn giản, không mất nhiều thời gian mà lãi còn cao hơn cả một tháng lương đi làm thuê, Tùng vay thêm họ hàng gia đình gom được gần 300 triệu đồng. Chiến lược của Tùng là vào khắp các room chứng khoán, mua những mã nào được nhiều người nhắc đến nhất, không cần biết doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng gì, lãi lời ra sao, thậm chí khi bất ngờ hỏi đến mã cổ phiếu trong danh mục tên doanh nghiệp là gì, ở đâu, lãnh đạo doanh nghiệp là ai, Tùng cũng không hề hay biết.
Đến tháng 8, số lãi của Tùng tăng lên gấp đôi, 600 triệu. “Sau vài tháng, đến nay thì tôi đã có một tỷ rưỡi trong tay, đời tôi chưa bao giờ nghĩ kiếm tiền dễ và nhanh như thế. Giá như biết chứng khoán sớm hơn có lẽ cũng bớt khổ”, Tùng hào hứng kể. Sau khi “cá kiếm” được từ chứng khoán, Tùng mua ô tô, trở thành “người hùng” trong mắt gia đình, anh em, bạn bè. “Mục tiêu của tôi là phải đạt được lãi kép, từ nay đến cuối năm lợi nhuận ít nhất cũng phải nhân đôi, nhân ba”, Tùng mơ ước.
Cũng giống như Tùng, chỉ trong vòng nửa năm lướt sóng vốn chưa đến 500 triệu đồng, tổng tài sản của anh Hoàng Phúc (Văn Quán, Hà Đông, HN) hiện gần 2 tỷ đồng. Đều đặn một tuần nhóm đầu tư của Phúc gặp mặt, họp nhóm 3-4 lần, chỉ để đi săn hàng trên các room VIP chứng khoán. “Chứng khoán Việt Nam khác gì cờ bạc, không giống như trong sách đâu nên tốt nhất đừng nghe mấy ông lý thuyết suông. Người được tiền luôn đúng, mất tiền là sai, cứ đánh theo dòng tiền kiểu gì cũng có ăn, ăn bằng lần, thời buổi này mà còn dựa vào mấy đồ thị kỹ thuật với phân tích cơ bản thì chỉ có trắng mắt ra thôi”, Phúc thẳng thắn nói.
Tùng với Phúc chỉ là số ít ỏi những nhà đầu tư tay mơ vớ bẫm từ chứng khoán nhờ vào đúng giai đoạn thị trường thăng hoa và điên rồ. Sự nhanh nhạy nắm bắt dòng tiền đã giúp cho nhiều người “lên hương”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kinh tế đình trệ, sản xuất kinh doanh khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy với 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Những người chiến thắng như Tùng và Phúc cũng đã trở thành động lực cho rất nhiều “F0” sẵn sàng đổ tiền vào chứng khoán với mộng làm giàu, chí ít thì cũng là đủ sống qua những năm tháng khó khăn.
Tuy nhiên, tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác. Những người được tiền như Tùng và Phúc thì chắc chắn phải có những người mất. Mất đau đớn, mất tán gia bại sản.
Nguyễn Hoàng Dương là một ví dụ điển hình nhất. Không phải dân kinh tế cũng chẳng hoạt động trong ngành tài chính, Dương là dân kỹ thuật thuần tuý, vốn đang làm IT trong một doanh nghiệp công nghệ lớn ở Vĩnh Phúc, thu nhập ổn định. Đầu năm 2021, Dương bỏ nghề, theo lời rủ của anh họ, tham gia thị trường với giấc mơ giàu nhanh. Chỗ nào có room kiểu “siêu phẩm tăng bằng lần trong vài tháng” hay “X10 tài khoản với siêu penny” là Dương có mặt, điện thoại chat ting ting suốt ngày, hàng phím liên tục.
“Thời gian đầu, tôi nghe theo những lời hô hào trên mạng và đu theo mua những cổ phiếu mà môi giới nói có game lái sẽ tăng mạnh. Nhưng không hiểu sao cứ mua được cổ phiếu nào được hai ngày thì cổ phiếu đó lao dốc. Quay lại hỏi người phím thì họ đã đu hàng khác. Sau lần vấp ngã đầu tiên, tôi chuyển chiến thuật, quay sang mua những cổ phiếu cơ bản, làm ăn kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng. Thế nhưng, từ thời điểm đó đến nay, những cổ phiếu nhỏ giá thấp mà tôi từng quay lưng lại tăng gấp 3-4 lần, còn cổ phiếu cơ bản, đánh giá cao lại dậm chân tại chỗ. Từ tài sản gần 2 tỷ tôi chỉ còn chưa đầy 1 tỷ trong tay. Thật điên rồ. Tôi đã bán hết và bỏ luôn chứng khoán”, Dương thất vọng nói.
Những cơn mưa tiền ở penny, Micap đưa VN-Index tiếp tục lập đỉnh lịch sử trong tháng 11. Trong hai tuần gần đây, hàng trăm cổ phiếu trên sàn UPCoM tăng hết biên độ, tương ứng mức tăng trong ngưỡng 14%-15%. Tính trong vòng một tháng, Vn-Smallcap tăng gần 40%. Trong đó có rất nhiều cổ phiếu kinh doanh thua lỗ nhưng giá tăng cao như HUT của Tasco, CEO của Tập đoàn C.E.O. Hay nhiều trường hợp gần như chẳng có bất cứ một thông tin gì về doanh nghiệp nhưng cổ phiếu vẫn cứ bốc đầu vô cớ như CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông (UPCoM), L12 của Licogi 12... Còn nhiều nhóm như ngân hàng hay thép lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, tầm nhìn vĩ mô tốt, đều được các công ty chứng khoán nhận định có tiềm năng tăng giá thì lại gần như đứng im tại chỗ, thậm chí lao đầu giảm.
Giá trị doanh nghiệp bị đảo lộn khiến những nhà đầu tư vốn dĩ theo trường phái phân tích cơ bản trở nên bực mình đến khó chịu. “Đây là thị trường cờ bạc hoàn toàn. Nhiều người nói với tôi là, thôi anh ạ anh đừng phát biểu nữa, đừng phân tích nữa, học thuật làm gì chả giúp ích cho ai đâu. Chỉ cần giao dịch như em ra vào lãi 5-10% rất nhanh chóng. Suốt ngày bày đặt phân tích như anh có mà móm hoài, mà họ nói đúng thật rõ ràng mình không có khả năng thành công trong giai đoạn điên rồ này của thị trường”, một nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiếng trên thị trường chứng khoán, chua xót tâm sự.
Tiền quá điên và hung hãn, mua bán bất chấp, đảo lộn mọi giá trị cơ bản của doanh nghiệp, doanh nghiệp càng lỗ cổ phiếu càng tăng, đã làm nhiều người liên tưởng đến bóng ma năm 2007 – 2008 liệu có quay lại, bong bóng chứng khoán có sắp nổ tung? Bình luận về lo ngại này, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư S-Talkcho rằng, dòng tiền mới đã đẩy nhiều cổ phiếu vượt xa giá trị thực. Nhiều cổ phiếu giá cao đến độ không thể tưởng tượng nổi, thậm chí có cổ phiếu đã tăng giá cao hơn 100 lần giá trị thực. Đây là dấu hiệu thể hiện rủi ro lớn mà rủi ro này đã từng phải trả giá rất nhiều trong quá khứ, thời mà những năm 2006-2007 trào lưu đầu tư chứng khoán. Nhà nhà đầu tư, người người đầu tư, không có khái niệm, không hiểu biết gì về chứng khoán nhưng lao vào một cuộc chơi thuần tuý, mua bán theo đúng nghĩa mua giá cao bán giá thấp, không để ý giá trị sổ sách của doanh nghiệp, không tính EPS hay chỉ số P/E, dòng tiền đến đâu tập trung đến đó, hỗn loạn và nhiều rủi ro.
Dẫu vậy thì theo ông Điệp, cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường sắp đổ gãy. Vấn đề phát triển của thị trường hiện phụ thuộc vào dòng tiền, một khi tiền còn mạnh, bán cổ này mua cổ khác, luân chuyển từ nhóm này sang nhóm khác thì câu chuyện sụp đổ trong ngắn hạn là chưa thấy.
“Tiền mới hiện nay không đi vào câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp mà đi vào câu chuyện có sự thao túng, có “lái” bởi họ thích làm giàu nhanh, nhân đôi nhân ba tài khoản một cách nhanh chóng chứ không nghĩ rằng lợi nhuận một năm 10% với chứng khoán là tốt. Nhiều người mới chơi nghĩ chứng khoán là mỏ vàng thì kiếm thôi nên không hài lòng với con số lãi 2-3% trong khi đó với những người từng trải để đạt số 2-3% đều đặn trong thời gian dài là đã rất khó rồi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải nhớ rằng, đầu cơ theo dòng tiền bản chất không xấu nhưng cũng phải chấp nhận mất mát là chuyện bình thường. Cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn, lựa chọn nhiều phương pháp hơn, chia tiền ra để đầu tư một phần mạo hiểm, còn lại phải mang tính chất an toàn hơn”, ông Điệp khuyến cáo.
Còn về lâu dài, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, nếu cứ tiếp tục giao dịch mua bán theo dòng tiền rõ ràng thị trường chứng khoán sẽ không ổn. Có một vấn đề cần phải lưu ý là đang có sự thao túng chỉ số phái sinh. Cơ quan quản lý nhà nước không nên để xảy ra tình trạng này lâu dài quá. Nếu nhà đầu tư ai cũng sợ, cũng tránh xa VN30 chỉ chơi cổ phiếu penny, hàng nhỏ sẽ gây hại quá nhiều cho thị trường cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tất nhiên, đến lúc nào đấy dòng tiền vẫn quay trở lại giá trị thực của doanh nghiệp thôi nhưng sẽ mất lòng tin của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tốt, họ bỏ đồng tiền của gia đình dồn vào đầu tư chứng khoán, nếu mất lòng tin, họ sẽ không tham gia, mà mất lòng tin là điều vô cùng lo ngại với chứng khoán”, chuyên gia nhấn mạnh.
Hiện tượng hy hữu với chứng khoán Việt: Giới đầu tư xây xẩm, choáng váng
Rất hiếm có phiên giao dịch nào của chứng khoán Việt Nam mà VN30-Index tăng hơn 23 điểm trong khi VN-Index chỉ tăng 6 điểm, toàn thị trường hơn 700 mã "đỏ sàn".
Theo vneconomy.vn