Bảo vệ trẻ em bị xâm hại, nhiều gia đình không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết
Tại Hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em” do Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với tổ chức ChildFund Việt nam tổ chức trong hai ngày 15-16/11, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) Đỗ Thị Vân chia sẻ, trong 3 năm gần đây xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục đối với trẻ em, trong đó đặc biệt có cả trường hợp bố đẻ thực hiện hành vi giao cấu với con gái dẫn đến có thai (đây là tình tiết định khung hình phạt là có tính chất loạn luân).
“Đa số các vụ việc này thuộc vào loại tội đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao đến chung thân hoặc tử hình nên thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội”, bà Đỗ Thị Vân cho hay.
Với thẩm quyền của cấp huyện, trong năm 2021, Toà án nhân dân huyện Đông Anh đã xét xử 3 vụ xâm hại trẻ em với 3 bị cáo, mức hình phạt cao nhất là 42 tháng tù. Năm 2022, đơn vị này xét xử 6 vụ với 6 bị cáo, mức hình phạt cao nhất là 52 tháng tù.
Bà Vân thông tin thêm, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: trong nhiều trường hợp, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử đối với các hành vi xâm hại tình dục rất khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài và có rất nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm.
“Có nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cơ quan chức năng; lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến tố cáo, khai báo muộn; hành vi dâm ô đối với trẻ em thường không để lại dấu vết trên thực tế, việc chứng minh tội phạm trong trường hợp này hoàn toàn dựa trên lời khai của trẻ nhỏ;
Người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại;
Một số trường hợp người phạm tội là người thân trong gia đình nên việc phát hiện, tố giác, xử lý hành vi xâm hại gặp nhiều khó khăn;....
Việc tổ chức phương án bảo vệ đối với các phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em đang gặp nhiều khó khăn do phải tổ chức trong điều kiện thiếu phòng cách ly có trang bị các phương tiện truyền thông”, bà Đỗ Thị Vân cho hay.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc này, theo đánh giá của bà Vân, trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sự phối hợp trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội; cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ dấu vết mờ nên không khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan, sai.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhà trường và gia đình với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chăm sóc, bảo vệ, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiều trường hợp chưa thật sự hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Việc phát hiện và chứng minh hành vi phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án xâm hại tình dục phụ thuộc nhiều vào lời khai báo của nạn nhân và trong rất nhiều trường hợp, nhất là nạn nhân là trẻ em do chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục, hầu hết nạn nhân đều bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất.
Nhiều gia đình không tố giác tội phạm xuất phát từ tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến tương lai con em mình, sợ dư luận nên tố giác chậm hoặc không tố giác hành vi phạm tội, người phạm tội.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác được vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Anh cũng thẳng thắn chỉ ra là việc tổ chức, thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên dù xây dựng phòng xử án thân thiện đã được quy định đầy đủ, tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc vừa thiếu, vừa không đảm bảo chất lượng đã làm hạn chế tính hiệu quả của chủ trương này, cũng như việc bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em là người bị hại trong quá trình xét xử các vụ án xâm hại trẻ em…
N. Huyền