Có vài tỷ đồng, tôi có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lãi cao gấp 3 ngân hàng?
Lãi ngân hàng thấp, tôi muốn rút tiền tiết kiệm để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nhưng vợ không đồng ý vì cho rằng rủi ro cao.
Bạn đọc Minh Đức ở (Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh có gần 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi và đang gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây lãi suất tiền gửi ở ngân hàng liên tục giảm, kỳ hạn 1 năm giờ chỉ còn hơn 5% trong khi có nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với nhiều mức lãi suất khá hấp dẫn lên đến 18% với nhiều kỳ hạn có thể lựa chọn, nếu đầu tư vào sẽ có lợi hơn là gửi tiền ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, vợ anh Đức lại không đồng ý vì cho rằng, đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản dễ rủi ro vì doanh nghiệp phát hành không vay được vốn ngân hàng nữa mới đi huy động bên ngoài lãi suất cao như vậy. Do đó, vợ anh nhất quyết cứ gửi tiền ở ngân hàng cho an toàn.
Anh Đức băn khoăn, liệu có phải vợ anh cứ lo xa? Hay anh cứ quyết rút nửa tiền đầu tư, còn một nửa thì gửi ngân hàng để vợ yên tâm?
Có lẽ băn khoăn này của anh Đức cũng là của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Liệu đầu tư vào trái phiếu bất động sản có rủi ro không và nếu đầu tư thì cần lưu ý những gì?
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tương đối nhanh trong khoảng 3 năm gần đây, với 3 lý do chính.
Thứ nhất, Chính phủ có định hướng phát triển thị trường này nhằm đa dạng hóa nguồn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Thứ hai, quy mô, xuất phát điểm của thị trường còn ở mức thấp (hiện mới tương đương khoảng 11 - 12% GDP, so với mức bình quân khu vực 20 - 25% GDP).
Thứ ba, đây cũng là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho hay, trong quy luật kinh tế, lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro cao. Cũng không hẳn những doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản không vay được vốn ngân hàng, mà đôi khi là do tính toán về cơ cấu nguồn vốn, tức là họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần, nhất là nhằm huy động nguồn vốn dài hạn trong bối cảnh nguồn vốn này từ phía ngân hàng còn hạn chế nhất định.
Vì thế, theo ông Lực, nhà đầu tư trước tiên cần phải hiểu rõ, nắm bắt thực chất về doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản. Sau đó cần phải nắm rõ về giao dịch phát hành đó, nhất là các điều kiện về lãi suất, về tài sản đảm bảo, về thanh toán gốc và lãi, điều kiện chuyển nhượng, tính minh bạch cũng như việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đó có đúng quy định pháp luật hay không (hiện nay là tuân thủ theo Nghị định 81 Chính phủ, có hiệu lực từ 1/9/2020).
Trong đó, cần hết sức lưu ý điều kiện về lãi suất, thí dụ doanh nghiệp quảng bá lãi suất lên đến 18%/năm, cần được hiểu rằng không phải là lãi suất cố định 1 năm, mà đây là tối đa, thực tế có thể thấp hơn. Trái phiếu càng dài hạn thì lãi suất phải càng cao vì tính rủi ro cao hơn.
Ông Lực mong rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết 81, trong đó, cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo, ra quyết định.
Minh Thư