Hết thời nhà đầu tư nhỏ lẻ vung tiền mua trái phiếu doanh nghiệp
Trong tháng 9/2020, các ngân hàng có lượng huy động lớn thông qua kênh trái phiếu bao gồm Ngân hàng Quốc tế - VIB (3.000 tỷ đồng), Ngân hàng Phương Đông – OCB (2.000 tỷ đồng) và LienVietPostBank (1.000 tỷ đồng).
Ảnh minh họa |
Theo số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị đăng ký và phát hành của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đều giảm mạnh trong tháng 9 so với tháng 8/2020.
Cụ thể, giá trị đăng ký trong tháng 9/2020 đạt 23.601 tỷ đồng (giảm 80,64%) trong khi giá trị phát hành đạt 10.522 tỷ đồng (giảm 72,60%).
Nhóm ngân hàng có tổng giá trị phát hành lớn nhất, đạt 9.490 tỷ đồng. Mặc dù tổng giá trị phát hành giảm 5,46% so với tháng 8, nhưng nhóm ngân hàng vẫn chiếm tới 90,20% trong tỷ trọng giá trị phát hành trong tháng 9.
Việc giảm sút về giá trị đăng ký và phát hành trong tháng 9 đã được dự báo từ trước, khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Cụ thể, kể từ đầu tháng 9/2020, việc phát hành trái phiểu riêng lẻ đã được nâng cao tiêu chuẩn và chịu nhiều giới hạn nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân; đồng thời yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu.
Như vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 303.802 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng là nhóm có tổng giá trị phát hành TPDN lớn nhất, chiếm hơn 35% trong tỷ trọng phát hành TPDN với kỳ hạn trung bình 5,2 năm. Tiếp đó là ngành bất động sản (chiếm hơn 30%) với kỳ hạn trung bình 4,04 năm và ngành dịch vụ (chiếm hơn 10%).
Trong tháng 9/2020, các ngân hàng có lượng huy động lớn thông qua kênh trái phiếu bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam - VIB (3.000 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông – OCB (2.000 tỷ đồng) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt – LienVietPostBank (1.000 tỷ đồng).
Trước đó, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đang có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không chuyên mua TPDN bằng mọi giá. Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã cấm đối với nhà đầu tư không chuyên mua bán TPDN phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn.
Tại Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành TPDN vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định theo hướng siết chặt điều kiện phát hành TPDN.
Theo đó, Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tham gia mua TPDN. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp có khả năng thẩm định về tiềm năng của TPDN trước khi mua, trong khi không ít nhà đầu tư cá nhân thiếu cả dữ liệu, thông tin lẫn kinh nghiệm, khả năng phân tích tiềm lực của DN.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu DN hoặc tổ chức phân phối cung cấp thông tin để đánh giá tình hình DN, hiệu quả của các dự án, khả năng trả nợ, năng lực ban lãnh đạo… Sau đó là chính sách cho sản phẩm trái phiếu như cam kết mua lại trước hạn (nếu có), các mức phí phải chịu. Cần lưu ý trong một số trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch của lãi suất.
Ngân Giang
Nóng cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp sẽ tận dụng khoảng thời gian trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực, để đẩy mạnh phát hành trái phiếu.