Các doanh nghiệp huy động trái phiếu "khủng" kết quả kinh doanh ra sao?
Trước tháng 9/2020, các doanh nghiệp đã chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với mức lãi suất cao kỷ lục. Và việc chạy đua huy động vốn qua kênh trái phiếu có mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp hay không?
Doanh nghiệp huy động trái phiếu khủng có kết quả kinh doanh ra sao? |
Trước ngày 1/9, thời điểm Nghị định mới về phát hành trái phiếu với những ràng buộc chặt chẽ hơn có hiệu lực, các doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với lãi suất cao kỷ lục.
Chỉ riêng trong tháng 8, các doanh nghiệp đăng ký phát hành 723 đợt trái phiếu để huy động 127.000 tỷ đồng, tăng gần 70% so với tháng trước.
Soi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đầu về phát hành TPDN, Vinhomes tỏ ra là DN hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Kết thúc quý 3, Vinhomes báo lãi 6.146 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 lên xấp xỉ 19.600 tỷ đồng.
Vẫn trong khối BĐS, sau 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Novaland đã hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2020 khi ghi nhận 3.298 tỷ đồng và tăng 204% so với cùng kỳ năm 2019. Tại ngày 30/9/2020, tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của Novaland ghi nhận 44.396 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối quý 2/2020. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 28,8% tổng dư nợ vay, ghi nhận 12.774 tỷ đồng.
Trong mảng bán lẻ, theo giải trình biến động kết quả kinh doanh quý 3/2020 của công ty mẹ Tập đoàn Masan, lợi nhuận sau thuế quý 3 âm 582 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng từ việc phát hành trái phiếu và giảm thu nhập tiền lãi trong quý 3/2020. Masan cũng là doanh nghiệp hiếm hoi thừa nhận gánh nặng chi phí lãi vay từ việc phát hành TPDN.
Mặc dù vậy, báo cáo hợp nhất của Masan cho thấy, doanh thu thuần trong quý 3 tăng 125,4% so với cùng kì năm trước, đạt mức 20.214 tỉ đồng; doanh thu 9 tháng đạt 55.618 tỉ đồng, tăng 110,8% so với 26.378 tỉ đồng cùng kì năm 2019, chủ yếu do hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.
Với việc nợ vay tăng cao, Masan cho biết đang có kế hoạch giảm nợ vay trong 12-18 tháng tới để đạt tỉ lệ nợ ròng/EBITDA từ 2,5 đến 3,0 lần thông qua việc giảm nợ tại Masan Hight-Tech Material sau khi tăng chủ sở hữu thêm 90 triệu USD vốn và sử dụng dòng tiền sẵn có trong quá trình hoạt động và cải thiện chu kì chuyển đổi vốn lưu động để trả các khoản nợ lãi cao hơn.
Trong khi đó, “ông lớn” BIDV báo lãi trước thuế hơn 7.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, xếp sau cả những ngân hàng cổ phần như Techcombank, VPBank, MBBank. Như vậy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của BIDV đứng thứ 6 trong hệ thống các ngân hàng TMCP, sau Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, MBBank.
Trong số các ngân hàng TMCP huy động vốn TPDN lớn, VPBank công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đây là mức huy động vốn cao nhất từ đầu năm. Các công ty bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng vốn huy động qua kênh trái phiếu với hơn 30%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hơn 2.000 đợt trái phiếu với số vốn dự kiến huy động trên 435.000 tỷ đồng. Kết quả có 174 doanh nghiệp phát hành thành công và huy động gần 238.000 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, BIDV, HDBank và VPBank là 3 nhà băng phát hành trái phiếu quy mô lớn nhất, chỉ riêng nửa đầu năm nay, mức huy động trái phiếu của 3 ngân hàng này từ 7.000 tỷ đến 15.000 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, Vingroup, TNR Holdings, Novaland, Sungroup là những cái tên dẫn đầu. Trong đó, Vinhomes phát hành 12.000 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu năm, TNR Holdings hơn 9.700 tỷ đồng, Novaland thậm chí đã phát hành hơn 16.000 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, trong đó có 2.300 tỷ đồng chỉ có thời hạn 1 năm.
Một số lĩnh vực khác như bán lẻ (tiêu biểu là Masan với 10.000 tỷ đồng huy động sau 4 đợt) hay lĩnh vực năng lượng cũng hút lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu.
Theo báo cáo của SSI Research, nếu loại trừ số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ, lượng trái phiếu do nhiều tổ chức phi tín dụng, cá nhân đang sở hữu khoảng 385.000 tỷ đồng, tương đương 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro. Sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán.
Chính vì lẽ đó, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo khi các công ty chứng khoán, ngân hàng chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu bằng mọi giá. Cơ quan này cho rằng, không nên mua trái phiếu dựa trên tiêu chí lãi suất cao vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Hiền Anh
Ai đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu tổng cộng 171,5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa mức tăng trưởng 37% của năm 2019.