Có thể xây các cửa hàng trong các hầm đi bộ
Có thể xây các cửa hàng trong các hầm đi bộ
Trong thời điểm TP.HCM đang quy hoạch 3 khu phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, phố đi bộ phải gắn với công trình ngầm thì mới phát triển bền vững.
Phố đi bộ là để tham quan, mua sắm |
“Tại các khu phố đi bộ, mỗi ngày, không phải người ở gần đó đến đi bộ mà người từ nơi khác đến đi bộ. Đi bộ không phải để thảnh thơi, tập thể dục mà là để mua sắm dễ dàng hơn. Phải quan niệm như thế mới đúng với nghĩa với phố đi bộ của thế giới”, ông Liêm nói.
Theo đó, muốn xây dựng được phố đi bộ như ở các nước trên thế giới thì phải xây dựng các công trình ngầm ngay phía bên dưới phố đi bộ. Mỗi ngày sẽ có hàng vạn lượt người đến đi bộ, tham quan, mua sắm…, họ sẽ tạm nghỉ ngơi và ăn trưa phía bên dưới các tầng ngầm. Để lại không gian bên trên cho quy hoạch cây xanh, khu mua sắm và đi bộ.
Ông Liêm còn nói thêm: “Như phố cổ ở Hà Nội, muốn giữ được phố cổ, dứt khoát phải có những đường ô tô ngầm bên dưới. Một số công trình khác như: trường học, nhà trẻ… cũng nên quy hoạch ngầm để trả lại không gian bảo tồn phố cổ”.
Ngoài việc hỗ trợ quy hoạch phố đi bộ, ông Liêm cho rằng các công trình ngầm còn có nhiều giá trị có thể khai thác ngay từ bây giờ. Chẳng hạn như các đường hầm vượt qua đường bộ ở Hà Nội hiện nay, nhiều nơi bỏ hoang, vì đêm đến không ai đi qua, nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi trấn lột, mại dâm, ma túy… Để cải tạo tình trạng này, hai bên đường hầm cần quy hoạch hai dãy cửa hàng, thường xuyên có người dân đến đi bộ, mua sắm. Đêm đến, có bảo vệ trông coi cửa hàng và cả đường hầm đi bộ.
Duy Nguyên