Cơ quan nhà nước cần tiên phong dùng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng Việt
Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn
Trong tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã nhận định không gian mạng là không gian chiến lược thứ 5 của một quốc gia. Thông tin trên mạng ngày nay đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và cả quốc gia. Có nhiều cá nhân, tổ chức mà tài sản trên mạng của họ còn có giá trị lớn hơn nhiều các tài sản hữu hình khác.
“Việt Nam chúng ta có một đặc thù là hầu hết cơ sở hạ tầng quan trọng, mang tính nền tảng của đất nước đều do Nhà nước nắm giữ, khu vực Nhà nước vì vậy cũng là một hộ tiêu dùng lớn nhất của cả nền kinh tế. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước được xác định là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong năm 2019”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin tham luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT. |
Theo ông Dũng, về nhận thức, thế giới dành sự quan tâm rất lớn cho an toàn, an ninh mạng. Sự quan tâm này đi kèm với nguồn lực đầu tư. Thông thường đầu tư cho an toàn, an ninh mạng chiếm khoảng 25-30% tổng mức đầu tư cho CNTT.
Thế nhưng, việc đầu tư cho an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay rất khiêm tốn, chưa tương xứng, chưa được quan tâm đúng mức, chỉ khoảng 5-10% mức đầu tư cho CNTT. Khi có kinh phí, chúng ta lại dành phần lớn để mua sắm những sản phẩm đắt đỏ của các hãng nước ngoài, mà nhiều khi không thực sự hiệu quả.
Đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: “Một sản phẩm an toàn, an ninh mạng dù có cao cấp, đắt đỏ đến mấy, nếu đứng một mình thì vẫn chỉ là một sản phẩm “chết”. Sản phẩm chỉ “sống”, chỉ hiệu quả, nếu có đội ngũ nhân sự vận hành chuyên nghiệp, thường xuyên được cập nhật. Sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam đáp ứng được điều này.
Nguy cơ tấn công mạng luôn luôn thay đổi. Cơ quan Nhà nước cần tiên phong sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển, vươn ra biển lớn và Việt Nam mới có thể trở thành Trung tâm về an toàn, an ninh mạng của khu vực và thế giới”.
3 biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong cơ quan nhà nước
Vị Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng nêu rõ quan điểm, mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không. Ngay cả Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hay Cơ quan an ninh Liên bang Nga cũng bị tấn công. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức nằm ở khả năng có phát hiện ra mình bị tấn công hay không và ở khả năng nhanh chóng khôi phục sự hoạt động bình thường của hệ thống sau khi bị tấn công.
“Không ít người đặt câu hỏi Đây là lĩnh vực mới, công nghệ cao, đối tượng tấn công rất giỏi. Vậy làm sao chúng ta có thể chống được?, câu trả lời đơn giản là chúng ta không cần phải giỏi như hacker mới chống được hacker. Cũng giống như trong thế giới thực, chúng ta không cần phải có kỹ năng như kẻ trộm mới chống được kẻ trộm. Nếu chúng ta có năng lực, chúng ta có thể tự làm. Nếu chúng ta chưa có năng lực, chúng ta có thể thuê dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp”, ông Dũng nói.
Đại diện Cục An toàn thông tin vừa khuyến cáo các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước khẩn trương thực hiện 3 biện pháp để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Đại diện Cục An toàn thông tin khuyến cáo các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước khẩn trương thực hiện 3 biện pháp để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đó là: Phân công Lãnh đạo phụ trách, đơn vị, bộ phận chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; tham gia vào mạng lưới đơn vị chuyên trách, tham gia vào các hệ thống kỹ thuật chia sẻ thông tin do Cục ATTT quản lý và vận hành; thực hiện phân loại thông tin và hệ thống thông tin theo cấp độ để áp dụng các biện pháp bảo vệ tương ứng;
Thuê một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, từ đây tạo ra thị trường. Hiện nay Việt Nam có một số doanh nghiệp hết sức chuyên nghiệp trong hoạt động này, có thể kể đến Viettel, VNPT, BKAV, CMC, FPT... Các doanh nghiệp này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn bảo vệ cho cả hệ thống thông tin của khách hàng ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này đều có kết nối, chia sẻ thông tin thường xuyên, liên tục với Cục An toàn thông tin; Thuê một doanh nghiệp khác độc lập định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống được bảo vệ.
Đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định, Cục sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin tổng thể cho các hệ thống thông tin quan trọng, nhạy cảm. Đối với các cơ quan, tổ chức chưa có đủ nguồn lực để thuê doanh nghiệp, Cục sẽ đứng ra hỗ trợ. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ… luôn sẵn sàng tham gia đồng hành.
“Năm 2019 là năm bản lề, là năm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Các cuộc tấn công mạng dự kiến sẽ diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng. Không những thế, các cuộc tấn công mạng còn nhằm cả phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước vì vậy là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, phải làm bằng được để từ đó tạo ra thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển, lan tỏa ra xã hội, là hạt nhân tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.