Cô gái nghèo nhận học bổng 6,8 tỷ trường Harvard
Nghe Diệu Liên (sinh năm 1996, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ tại buổi giới thiệu dự án hè 2015 của tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader mới thấy câu nói “không gì là không thể” đúng hơn bao giờ hết.
Cô gái trầm tĩnh thường nghĩ nhiều hơn nói này đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh nghèo khó và những lần thất bại trong đời học sinh để vươn tới thành công lớn ở tuổi 19, nhận học bổng toàn phần của ngôi trường số 1 thế giới - Havard.
Xuất hiện trong buổi giới thiệu dự án hè của nhóm du học sinh Việt với vai trò khách mời, Trần Thị Diệu Liên không gây ấn tượng bởi vẻ ngoài hoạt bát, năng động như nhiều bạn trẻ khác. Liên có vẻ trầm tĩnh, chân chất như một “mọt sách” và chính cô nàng cũng thừa nhận rằng, mình là người nghĩ nhiều hơn nói.
Ấy thế, mỗi chia sẻ của cô gái 19 tuổi về hành trình chinh phục ngôi trường đại học số 1 thế giới đều khiến người nghe phải “gật gù” thán phục. Liên không khoa trương, với mỗi thành tích đều cố khiến nó “giảm bớt” vinh quang đi một nửa nhưng chỉ vậy thôi mọi người đã hiểu được cô gái này tài năng đến nhường nào.
Vào ngày1.4 vừa qua, Liên nhận được tin trúng tuyển vào trường ĐH Harvard với mức học bổng hiếm có, 302.920 USD (khoảng 6,8 tỷ đồng) cho 4 năm học. Cô nàng là một trong số ít những học sinh tự lập trong việc nộp hồ sơ, xin học bổng, không qua bất cứ trung tâm du học nào.
Không chỉ tự học thật giỏi để có điểm chuẩn hóa đáp ứng với tiêu chí của trường, Liên còn phải tự tham gia các hội thảo, lắng nghe lời khuyên của người đi trước để chọn trường và hoàn thiện hồ sơ xin học bổng.
Harvard từng là một giấc mơ xa vời với cô gái có hoàn cảnh khó khăn, mẹ là lao công trong trường học, còn bố là thợ làm biển quảng cáo nhưng Liên chưa bao giờ vì thế mà từ bỏ giấc mơ du học. Cô nàng bắt đầu nảy nở giấc mơ này từ những ngày còn là học sinh trường THCS Trần Đại Nghĩa. Thời điểm đó, cô được tiếp xúc với học bổng Astrar (Singapore) nhưng chỉ dừng chân ở vòng phỏng vấn.
Cô gái nghèo hoàn toàn tự lập trong việc "săn" học bổng
Bước sang lớp 12, Liên một lần nữa nộp hồ sơ du học. Lần này, cô lại thất bại. Thay vì buồn chán, Liên bình tĩnh nuôi dưỡng ước mơ, kiên trì học tập, tìm hiểu về các trường đại học quốc tế. Và khi tốt nghiệp THPT, cô gái Sài thành nộp hồ sơ du học lần 3.
“Vì nhà không có điều kiện nên mình phải chọn những trường không quan tâm đến tình hình tài chính của ứng viên mà chỉ chú trọng vào thực lực. Harvard là ngôi trường như thế và mình quyết tâm vào được đó”, Diệu Liên chia sẻ.
Với điểm SAT 2200 (điểm chuấn hóa cho việc đăng ký vào một số trường ĐH, tối đa là 2400) và GPA 900 (điểm đánh giá học lực sinh viên theo tiêu chuẩn giáo dục ở Mỹ), Liên đã xuất sắc chinh phục được ngôi trường hàng đầu thế giới. Thế nhưng, thật lạ, đây không phải là sự lựa chọn mà cô gái 19 tuổi cho rằng là tốt nhất với mình.
“Thật ra, mình thích một ngôi trường khác có thứ hạng thấp hơn. Nhưng vì vấn đề tài chính nên mình không thể vào đó mà theo Harvard. Mình chưa bao giờ nghĩ, thứ hạng của trường đại học quyết định được khả năng phát triển của sinh viên. Một ngôi trường tốt nhất là ngôi trường phù hợp nhất”, Liên bày tỏ.
Diệu Liên là cô gái có những quyết định độc lập và lạ lùng. Tốt nghiệp cấp 3, trong thời gian chờ đợi kết quả du học, Liên “gap year” (thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào một giai đoạn học tập, làm việc mới) vào một trường đại học tại TP. HCM trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật. Một năm hoạt động tại đây cho cô nhiều trải nghiệm thú vị và quan trọng nhất, đã hun đúc thêm trong cô tình yêu với lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho con trai này.
Sống là chính mình
Là sinh viên chuyên Anh của một ngôi trường nổi tiếng, Diệu Liên không tìm đến những hoạt động ngoại khóa sôi động, hoành tráng mà chọn cho mình những việc làm gần gũi và giản dị. Suốt 3 năm cấp 3, hoạt động gắn bó nhất với Diệu Liên là dạy học cho trẻ em trong các mái ấm mồ côi.
Cô gái 19 tuổi cho rằng, học tập là cách hiệu quả nhất để thay đổi số phận một con người. Cô không có nhiều tiền để làm từ thiện nhưng lại có kiến thức và giàu lòng yêu thương nên đã chọn hoạt động dạy học để giúp đỡ trẻ em mồ côi. Liên rất thích cảm giác có thể thay đổi nhận thức của người khác, từ đó, họ tìm được con đường đi đúng sau này.
Những năm tháng đó, một lần đến thăm mái ấm của trẻ khiếm thị, Diệu Liên đã ấp ủ giấc mơ truyền tải nội dung trong sách cho những người mù. Năm 2014, khi là học sinh lớp 11, đề tài “Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị” của Diệu Liên cùng sự hỗ trợ của một bạn nam cùng trường đã đạt giải 4 Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF). Trước đó, đề tài này của Diệu Liên cũng đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp quốc gia.
Liên tự nhận mình là một cô gái trầm tĩnh, nghĩ nhiều hơn nói. Sự giản dị, chân chất của một gia đình lao động đã ngấm sâu vào con người Liên cho đến bây giờ và cô chẳng ngại ngần thể hiện nó trong chính bài luận nộp cho trường đại học hàng đầu thế giới.
“Trong bài luận, mình chỉ viết những gì mình nghĩ và kể những thứ bản thân có, tuyệt đối không gò ép theo cái cách mà mọi người thường nghĩ trường Harvard sẽ thích. Có lẽ, sự chân thật đó đã gây ấn tượng với các giáo sư trong trường. Hơn nữa, mình nghĩ, một người có thể “sống khác” trong một bài luận chứ không thể là con người khác trong suốt 4 năm học được nên nếu có thể thì cứ chân thật ngay từ đầu”, Liên chia sẻ.
“Để đạt được những gì chưa bao giờ đạt được thì phải làm những điều chưa bao giờ làm”, đó là câu nói Diệu Liên thích nhất. Trở thành tân sinh viên của trường Harvard, Liên chia sẻ, cô vẫn sẽ cứ làm những việc từng cho là “không tưởng” như thế để có cơ hội gặt hái thành công mới.
Nguồn Dân Việt