Cô gái “gói” ân tình xứ Huế vào mứt gừng, gửi bay đi muôn nơi
Bằng cách đưa chất liệu màu sắc, vẻ đẹp văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì, Huyền muốn giới thiệu với du khách những câu chuyện văn hóa. Đồng thời, cũng hàm chứa ý nghĩa gói ân tình xứ Huế trong món quà tặng nhỏ xinh.
Sinh ra và lớn lên tại Huế, Phạm Thị Diệu Huyền (sinh năm 1985) sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học tại TP.HCM đã quay trở về quê nhà lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Ban đầu, Diệu Huyền thử sức với nhiều công việc khác nhau, như bán quà lưu niệm cho du khách, kinh doanh quán cà phê, bán các sản phẩm đặc trưng của xứ Huế... nhưng tất cả đều không thành công.
Là người nặng lòng với văn hóa xứ Huế, lần này, Diệu Huyền bắt tay làm từ đặc sản Huế, với nguyện vọng mang câu chuyện về văn hóa Huế vào sản phẩm, để du khách cảm nhận được đất và con người xứ Huế.
Sau khi tìm gặp nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đình Hằng để hiểu nhiều hơn về cội nguồn văn hóa Huế, Diệu Huyền đã suy nghĩ rất nhiều khi được hỏi: “Muốn làm con buôn hay thương gia. Con buôn thì dễ thôi. Nhưng nếu muốn làm thương gia thì phải làm khác cách người ta đã làm”. Và khi đã tìm ra câu trả lời, Phạm Thị Diệu Huyền quyết định thành lập Công ty TNHH Mộc Truly Huế (Mộc).
Phạm Thị Diệu Huyền trên cánh đồng gừng làng Bãng Lãng. |
Bí quyết làm thương hiệu cho mứt gừng
Tâm huyết của Diệu Huyền cũng được đền đáp xứng đáng, năm 2019 chị đạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Hiện Mộc đang là một trong những nhà sản xuất và phân phối đặc sản Huế với các sản phẩm từ nông sản địa phương, đưa câu chuyện từ văn hóa Huế đến mỗi thức quà đặc sản bằng chất lượng và bao bì thân thiện.
Bên cạnh các sản phẩm từ sen Huế, Mộc cũng đang thành công với sản phẩm mứt gừng. Cơ duyên đến với mứt gừng được Diệu Huyền chia sẻ:
“Mứt gừng Huế là món ăn ai cũng biết, nhưng lại chưa được phổ biến như một thức quà. Sản phẩm truyền thống lại phải cạnh tranh với thị trường mứt Tết rất sát sao, trong khi hình thức và mẫu mã còn sơ sài, tính cạnh tranh không cao. Đó là cơ duyên khiến tôi thử sức với mứt gừng”.
Cũng như sen Huế, mứt gừng dường như đã được định vị riêng, một cái gì đó rất đặc biệt đối với khách hàng dù đã từng hay chưa nghe qua.
“Mình có câu chuyện khởi nghiệp, mình yêu đặc sản Huế, hay đơn giản chỉ là bao bì được chăm chút một chút có thể chính là điểm khác biệt giữa mứt gừng của Mộc với các sản phẩm cùng loại trên thị trường”, Diệu Huyền chia sẻ bí quyết làm nên sự khác biệt trong sản phẩm của mình.
Chế biến mứt gừng hoàn toàn thủ công tại Mộc Truly Hue's. |
Mứt gừng của Mộc được làm theo phương thức hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu gừng phải được trồng từ làng Bãng Lãng (ngã ba Tuần), nơi hai nhánh tả và hữu của sông Hương gặp nhau tạo nên thổ nhưỡng đặc biệt, là điều kiện thuận lợi để củ gừng phát triển tốt, luôn đạt được độ cay nồng, săn chắc mà không nơi nào có.
“Phải làm từ gừng Huế chính gốc” luôn là phương châm khi Mộc sản xuất mặt hàng này. Nhiều người khen mứt gừng Huế ngon vì nó được làm từ củ gừng sẻ (tên gọi khác là gừng dé). Củ gừng tuy nhỏ nhưng có hương thơm và vị cay rất riêng. Những củ gừng được chọn làm mứt phải đủ tuổi. Không quá non để vị không bị nhạt nhòa, nhưng cũng không được quá già sẽ khiến mứt xơ cứng. Từng củ gừng tươi được bào thủ công, được thái thành từng lát mỏng, phiếu kĩ rồi đem rim liu riu dưới lửa củi nhỏ để nước đường chảy vàng óng thấm dần vị ngọt vào miếng gừng cay và phủ đều các mặt.
Với sự khéo léo và tỉ mẩn ấy, mứt gừng khi hoàn thành không bị nát, vẫn giữ được độ giòn và ráo khi ăn. Miếng mứt có màu vàng sậm và độ dẻo nhất định cùng hương thơm đặc trưng. Vị ngọt thanh của đường kết hợp cùng chút cay nồng ấm nóng của gừng đã làm nên một loại mứt gừng rất riêng biệt của Huế”, Diệu Huyền cho biết.
Mứt gừng phải được làm từ gừng Huế chính gốc. |
“Mình không còn là Diệu Huyền của những lần thất bại”
Diệu Huyền chia sẻ, mứt gừng luôn là mặt hàng bán chạy nhất của Mộc vào dịp cuối năm. Hai thị trường chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những nơi có sức mua lớn và khách mua cũng là những người mê món Huế.
Ngoài kênh bán lẻ tại các siêu thị, sân bay, cửa hàng truyền thống, Mộc cũng tận dụng khá tốt kênh thương mại điện tử. Bên cạnh sản phẩm thông thường còn có thêm hai sản phẩm dành cho phân khúc cao cấp là “Gừng non sấy dẻo” và “Gừng mật ong”.
Diệu Huyền chia sẻ, Mộc đang hướng đến mở rộng thị trường phân phối, kể cả xuất khẩu. Một tin vui đến với công ty là sản phẩm mứt gừng đang chuẩn bị đón “giấy thông hành” vào thị trường Mỹ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Hiện Mộc vẫn đang song song giữa chạy dự án Tết và sản xuất thông thường, như: Kẹo, bánh mứt, trà, tinh dầu, phấn nụ. Riêng bánh, kẹo và mứt, chủng loại rất phong phú, như: kẹo cau, kẹo kéo, kẹo gừng, mè xửng, bánh in, bánh măng, bánh mận, mứt gừng, mứt nghệ, mứt vỏ bưởi,...
“Tôi vẫn sẽ phải cố gắng hơn nhiều bởi nếu không phát triển, thì các đặc sản Huế sẽ có nguy cơ mai một và thất truyền, mình cũng không còn là Diệu Huyền với vài lần thất bại nữa, nên mình ôm quyết tâm và sẽ nâng tầm sản phẩm Huế đi xa hơn nữa”, Diệu Huyền cho biết thêm.
Bộ ba sản phẩm Hạt Sen, Mứt Gừng, Mứt Thanh Trà của Mộc. |
Tuân Nguyễn
Nữ cử nhân làm rượu vang từ đặc sản khoai lang tím
Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, khoai lang tím của bà con không tiêu thụ được, nữ cử nhân Đại học Kinh tế TP.HCM Trương Thị Xuân Hòa (Bình Định) đã tìm tòi phát triển sản phẩm rượu vang từ đặc sản khoai lang tím cho kết quả bất ngờ