CNN: Trung Quốc đã đưa hệ thống tên lửa khỏi quần đảo Hoàng Sa đi đâu?
Hồi tháng Năm, Trung Quốc đã trái phép triển khai hàng loạt hệ thống tên lửa ra quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực mà cả Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Washington cũng cáo buộc, Bắc Kinh đang đẩy mạnh “quân sự hóa” trong khu vực.
Hồi tuần này, Mỹ đã điều động một máy bay ném bom B-52 bay qua quần đảo Trường Sa. Theo Mỹ, đây là một phần trong “hoạt động huấn luyện thông thường”.
Hình ảnh vệ tinh được ISI công bố cho thấy Trung Quốc đã di dời các hệ thống tên lửa khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). |
Trong khi đó, những phân tích mới đây của công ty tình báo Israel ImageSat International (ISI) lại cho thấy, khả năng Trung Quốc đã di dời hoặc sắp xếp lại vị trí hoạt động của các hệ thống tên lửa ở Biển Đông.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ với CNN rằng, nhiều khả năng Trung Quốc không hoàn toàn di dời toàn bộ hệ thống tên lửa đã triển khai trái phép trước đó. Thay vào đó, khả năng Trung Quốc đã đưa các hệ thống này vào bên trong các tòa nhà.
Còn trong hôm 6/6, Bắc Kinh cáo buộc không phải Trung Quốc mà Mỹ mới là lực lượng đang quân sự hóa ở Biển Đông.
“Tôi hy vọng Trung Quốc có thể giải thích với mọi người rằng, liệu hành động điều động các loại vũ khí tấn công như máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông không nhằm mục đích quân sự hóa? Các máy bay B-52 này hoạt động vì sự tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông? Nếu một ai đó thường xuyên phô trương sức mạnh gần nhà của bạn, phải chăng bạn không cần nâng cao cảnh giác hoặc tăng cường năng lực phòng thủ?” CNN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo.
“Trung Quốc sẽ không để bất cứ tàu chiến hay máy bay nào bắt nạt. Chúng tôi sẽ vẫn chắc chắn dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, bà Hoa nói.
Trung Quốc di dời hệ thống vũ khí trên quần đảo Hoàng Sa đi đâu?
Trước đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng loạt dàn phóng tên lửa và một hệ thống radar được Trung Quốc trái phép huy động ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) được che phủ bằng lưới ngụy trang.
Tuy nhiên, hiện tại, những vũ khí này đã biến mất. Điều này khiến ISI cho rằng, Bắc Kinh có thể đã quyết định di dời hoặc triển khai số vũ khí này tới các khu vực khác ở Biển Đông.
“Nói cách khác, đây là hoạt động triển khai thường xuyên của Trung Quốc. Nếu như vậy, chỉ trong vài ngày tới, chúng ta lại quan sát thấy hoạt động triển khai vũ khí ở trong cùng khu vực”, ISI nhận định.
Các chuyên gia khác thì cho rằng, khả năng những hệ thống tên lửa mà Trung Quốc trái phép triển khai không chịu được tác động từ nước biển do đó, chúng đã được di dời để thay thế hoặc sửa chữa.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ cho hay quân đội Trung Quốc đã cho triển khai hàng loạt tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, máy phá sóng điện tử tới các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Thậm chí, mới đây, Trung Quốc còn lần đầu tiên cho máy bay ném bom H-6K hạ cánh trái phép xuống đảo Phú Lâm.
Sau khi Mỹ lên tiếng phản đối về hoạt động đưa các dàn phóng tên lửa trái phép ra quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã biện hộ rằng, “những cơ sở phòng thủ cần thiết đã được triển khai và Bắc Kinh có chủ quyền không cần tranh cãi ở quần đảo Trường Sa”.
Sau đó, Mỹ đã bất ngờ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) để bày tỏ sự phản đối trước hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Dù Trung Quốc có nói gì, hoạt động đưa các hệ thống vũ khí ra Biển Đông là trực tiếp dùng quân sự phục vụ mục đích bắt nạt và đe dọa. Đừng mắc sai lầm. Mỹ vẫn sẽ ở lại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là mặt trận ưu tiên của Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Singapore hồi tuần này.