Clip học sinh đánh bạn liên tục xuất hiện trên MXH: 'Liều thuốc' nào trị được bạo lực học đường?
Ngay cả khi học sinh phải ở nhà học trực tuyến mà những vụ bạo lực gây xôn xao dư luận vẫn diễn ra.
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường
Ngày 30/9, trên mạng xã hội xuất hiện các đoạn clip quay lại cảnh 1 nữ sinh bị nhóm khoảng 4 thiếu niên nam nữ khác hành hung tập thể.
Nữ sinh bị đánh hội đồng trong clip được xác định là em N.H.T.T, hiện đang học lớp 7 tại Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Theo lời kể của em T., các học sinh tham gia đánh em đều học ở trường khác. Trước đó, các em từng học cùng ở bậc tiểu học. Trong khi trò chuyện, theo thói quen, các em xưng “tau, mi”.
Tuy nhiên, có bạn cho rằng như thế là hỗn và hẹn nhau ra nói chuyện. Tiếp đó, các học sinh này gặp nhau ở gần chân núi Sơn Trà rồi xảy ra vụ hành hung.
Em N.H.T.T. bị nhóm học sinh khác trường đánh. (ảnh cắt từ clip) |
Liên quan đến sự việc, bà Hà Thị Ngọc Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - cho biết, công an đang làm rõ vụ học sinh của trường bị nhóm học sinh trường khác đánh tập thể.
"Em T. bị trầy xước ở tay và gia đình cũng đã đưa em T. đi khám. Gia đình em T. đã báo công an. Hiện công an phường đang xử lý và trường đang chờ kết quả từ công an", bà Hoa thông tin.
Một vụ bạo lực học đường khác cũng gây xôn xao mạng xã hội vào ngày 29/9. Theo đó, một clip dài khoảng một phút ghi lại cảnh nữ sinh bị 3 bạn khác vây đánh. Trước sự tấn công dồn dập của nhóm bạn, nữ sinh này chỉ biết ngồi xuống đường ôm mặt chịu đòn.
Nữ sinh bất lực chịu đòn. (ảnh cắt từ clip) |
Về vụ việc, ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Hiệu trưởng trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT huyện về việc nữ sinh lớp 9 tham gia đánh hội đồng bạn.
Theo ông Hiệp, ngày 27/9, học sinh đến trường học tập sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh. Sau giờ học, nữ sinh tên T. (lớp 9) được bạn gọi ra vườn vắng phía sau trường nói chuyện. Khi em này đến nơi, nhóm nữ sinh khác đứng chờ sẵn lao vào đánh hội đồng và quay clip.
Sau đó, một em trong nhóm học sinh đánh T. đã gửi clip cho chị gái nạn nhân để hù dọa. Nguyên nhân được xác định là do các em nói xấu nhau trên mạng xã hội.
Giải quyết bạo lực học đường bằng cách nào?
Theo ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thì bạo lực học đường giữa học sinh với nhau chủ yếu do tâm sinh lý lứa tuổi, các em ở độ tuổi mới lớn lại có tâm lý thích thể hiện, không tiết chế được cảm xúc.
“Để ngăn chặn bạo lực học đường thì việc tổ chức các hoạt động lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục phẩm chất đạo đức mới là biện pháp căn cơ, gốc rễ trong nhà trường.
Chúng ta phải tuyên truyền để các em hiểu được văn hóa trong môi trường học đường. Muốn thế sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội là vô cùng cần thiết, góp phần giảm thiểu, xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường”, ông Hoàng Mạnh Cường nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) thì trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường trước hết là của nhà trường, của ngành giáo dục. Hiện nay có rất nhiều chương trình giáo dục đang triển khai nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
“Trong đó, giáo dục kỹ năng, giá trị sống cho học sinh là nền tảng quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường. Chương trình quản lý hành vi của học sinh, chương trình giúp giáo viên tăng nhận thức về biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh cũng góp phần sớm nhận ra những học sinh bị tổn thương, nhằm ngăn chặn bạo lực học đường.
Rồi phải có các chương trình đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường để phân loại xử lý bạo lực tiềm tàng. Ví như những học sinh rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc, nếu được phát hiện sớm, được hỗ trợ sẽ không dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn liên quan mật thiết với gia đình học sinh. Phụ huynh phải được tuyên truyền để tránh hành vi bạo lực ở nhà, đây là một vấn đề nền tảng góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Hoàng Thanh