Chuyện về những “cụ mẫu”
Ông cụ Dễ có thâm niên ngồi mẫu nhiều năm. |
Là những lão nông dân hay cụ ông thanh nhàn, tuổi đã ngoài bảy mươi, họ coi việc đi “ngồi mẫu” như một niềm vui của tuổi về chiều.
Công việc không nhiều, mỗi năm chỉ vài buổi, các cụ đến ngồi làm mẫu cho sinh viên khoa Mỹ thuật của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Việc ngồi mẫu thường bắt đầu từ khoảng 7 giờ cho đến hết buổi sáng. Đã có tuổi nên các “cụ mẫu” có thể tự do giải lao 2 hoặc 3 lần tuỳ theo sức khoẻ của mình.
Công việc của các cụ là ngồi im, tạo dáng theo yêu cầu của người vẽ. Có cụ đã gắn bó với công việc này qua 10 khoá học của trường. Riêng ông Lê Đức Huy năm nay 72 tuổi, ngụ ấp Ninh Trung, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh thì chỉ mới bắt đầu ngồi mẫu được vài buổi thôi. Nước da còn hồng hào, dáng người còn đầy đặn, ông cười móm mém cho biết, ông đi ngồi mẫu theo lời rủ rê của một người bạn đã có kinh nghiệm với công việc này.
Sẵn đang nhàn rỗi, nên ông nhận lời, thử đi ngồi mẫu cho biết. Ông kể, ông cũng có một người chú từng làm hoạ sĩ trong gánh hát, hồi còn bé ông rất thích thú với những nét vẽ của người chú, hào hứng với những bức tranh làm phông nền cho sân khấu rồi sinh ra yêu thích vẽ vời.
Sau này ông cũng tập tành hoạ chân dung. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, hoạ tranh không thành cái nghề, cái nghiệp của ông, vì vậy ở tuổi ngoài 70, khi được gợi ý là ông nhận lời ngồi mẫu cho các cô cậu sinh viên như một cách tìm lại niềm cảm hứng với nghệ thuật từng có năm xưa.
Ông bảo: “Đây cũng như là một cái duyên. Nhìn các cháu sinh viên vẽ, tôi cảm thấy vui, coi như ôn lại kiến thức. Nhân lúc giải lao sau giờ ngồi mẫu, ông cụ bỏ đi xem tranh, thỉnh thoảng trò chuyện với “đồng nghiệp” ngồi mẫu về năng khiếu, tay nghề của các cháu sinh viên, trong lòng thấy vui vẻ hơn.
Đi ngồi mẫu đã sang mùa thứ ba, ông Tống Văn Cai ngụ ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành vẫn còn sự háo hức kỳ lạ với công việc này. Ông vui vẻ nói: “Tới thời điểm mà chưa nhận được điện thoại gọi đi ngồi mẫu là cảm thấy nhớ rồi”.
Vốn là người từng học qua trường lớp mỹ thuật, ông Cai có niềm yêu thích đặc biệt với hội hoạ. Thời trẻ, ông từng cầm cọ, cầm bút vẽ, bây giờ lại làm mẫu cho người khác vẽ, ông xem đó như là duyên nợ của mình.
Ông rút ra nhận xét: ngồi mẫu vất vả hơn cầm cọ, cầm bút vẽ, vì: “Phải ngồi tạo dáng theo hướng dẫn, phải giữ không cử động trong một thời gian dài, có lúc cũng thấy tê mỏi nhưng nói chung vẫn có một niềm vui thích khó tả”.
Theo ông Cai, tư thế ngồi mẫu cho sinh viên sư phạm thường đơn giản nên cũng không khó lắm và công việc này có thể giúp ông tìm lại những cảm hứng với hội hoạ- bộ môn nghệ thuật ngày xưa ông từng học nhưng cuối cùng lại không theo đuổi mà lại gắn bó với ruộng vườn.
|
Sinh viên khoa mỹ thuật vẽ mẫu.
Ông Lê Văn Dễ, ngụ ấp Ninh Trung, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh đã ở tuổi 80, lưng đã còng, tai đã nặng nhưng ông cụ vẫn còn tự tin khoe cơ bắp trước các cháu sinh viên. Thời trẻ, ông từng là huấn luyện viên võ thuật, sau lại chuyên chú việc đồng áng nên sức khoẻ vẫn còn khá tốt.
Đến nay ông đã ngồi mẫu được 10 khoá học của sinh viên. Hỏi công việc ngồi mẫu có cực nhọc lắm không, ông cụ cười sảng khoái: “Cũng giống như ngồi mát chơi không mà thôi, nó không nặng nhọc, không làm mình bị háp nắng như nghề nông”.
Với ông cụ Tống Văn Cai, việc đi ngồi mẫu không hẳn là vì thù lao, mà vì: “Mình đi ngồi mẫu như là một sự tiếp sức cho các cháu sinh viên trẻ trong việc học tập môn nghệ thuật này”. Ông rất vui khi nhận được bức hoạ chân dung của mình từ tay sinh viên. Còn ông cụ Huy gật gù ra vẻ tâm đắc, cho biết những năm sau nếu vẫn còn sức khoẻ tự đi lại được, ông sẵn sàng tiếp tục đi ngồi mẫu cho các cháu sinh viên tha hồ vẽ, đó cũng là một niềm vui tuổi già.
Theo thầy giáo Trần Văn Chỉnh- Trưởng bộ môn Mỹ thuật Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Tây Ninh, hiện nay việc tìm kiếm mẫu phục vụ cho các tiết học vẽ của sinh viên khá khó khăn. Thù lao thấp cũng là một trở ngại trong việc tìm kiếm mẫu.
Kinh nghiệm cho thấy, những người ngồi mẫu cao tuổi luôn làm việc nghiêm túc và thường dành rất nhiều thiện cảm cho sinh viên. Các cụ ngồi mẫu không phải vì thù lao mà vì yêu thích thật sự. Có khi đến ngồi mẫu, các cụ còn mang theo giấy hoặc trái cây tặng cho đám sinh viên tuổi con cháu của mình.
Theo Vi Xuân/ Tây Ninh online