Chuyện về một tổ giáo viên bổ túc văn hóa
Để xóa mù chữ và nâng cao trình độ cho người dân, tổ giáo viên bổ túc văn hóa (BTVH) Văn La đã được thành lập. Dưới mưa bom bão đạn, các lớp BTVH tại Văn La vẫn được duy trì để bảo đảm mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho nhân dân. Với những thành tích nổi bật đó, tổ giáo viên BTVH Văn La đã được Chính phủ công nhận là tổ “Lao động xã hội chủ nghĩa” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và là một trong số rất ít những đơn vị được nhận Huân chương Lao động hạng Ba thời điểm đó.
Nhiệm vụ “khẩn cấp”
Ông Hoàng Văn Tuần, một giáo viên trong tổ BTVH Văn La ngày ấy còn nhớ như in về những năm tháng hào hùng đó. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết chữ...”, năm 1962, Đảng bộ xã Lương Ninh đã quyết định thành lập tổ giáo viên BTVH Văn La để xóa mù chữ và nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân nói chung, đặc biệt là cán bộ và thanh thiếu nhi không có điều kiện học phổ thông. Những ngày đầu thành lập, tổ giáo viên BTVH Văn La có 5 giáo viên dạy các môn toán, văn, lịch sử, sinh học và hầu hết các giáo viên là người làng Văn La.
“Học cấp I tại xã nhưng muốn học cấp II thì phải xuống tận Đồng Hới để học nên rất hiếm người học xong cấp II. Tui may mắn là một trong số đó. Sau khi học xong cấp II trở về địa phương, tui được cử dạy BTVH cho bà con”, ông Tuần chia sẻ khi nói về cơ duyên ông trở thành giáo viên của lớp BTVH Văn La.
Ở làng Văn La thời ấy có 3 lớp học BTVH, mỗi lớp có 20 học viên gồm cả cán bộ và người dân, người nhỏ tuổi nhất là 23 tuổi và lớn nhất là 45 tuổi. Số lượng học viên tham gia học BTVH ngày càng nhiều nên số lượng giáo viên trong tổ BTVH qua hàng năm lại tăng lên. Số lượng giáo viên người làng Văn La không đủ để giảng dạy nên UBND xã, đã điều động thêm giáo viên từ các trường về để kịp thời giảng dạy cho bà con.
![]() |
Ông Hoàng Văn Tuần, người giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết ngày xưa đang chăm sóc mảnh vườn của gia đình. |
Trong quá trình giảng dạy, tổ giáo viên BTVH Văn La gặp rất nhiều khó khăn vì trình độ dân trí thấp nên người dân tiếp thu bài vở rất chậm, khiến các giáo viên rất vất vả khi phải dạy đi dạy lại nhiều lần và phải nắn nót từng tí một đến khi nào học sinh làm được mới thôi. Nhấp ly trà thơm, ông Tuần tiếp tục câu chuyện, dạy BTVH thời bấy giờ không có chế độ gì, song ai cũng nhiệt tình và giảng dạy bằng cả tấm lòng. Tình cảm thầy trò rất gắn kết và hòa đồng nên số lượng học viên đến lớp ngày càng đông.
Hàng ngày, người dân trong làng phải làm việc cho hợp tác xã nên chỉ tranh thủ học được vào ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Có nhiều hôm, bà con đi làm ruộng cách làng rất xa, phải đi bộ 15 cây số nhưng đến ngày học là lại thu xếp về để đi học, học xong lại lên làm. Nhờ sự chịu khó và nỗ lực của bản thân, rất nhiều học viên sau khi học BTVH đã trở thành những cán bộ giỏi ở cấp xã, cấp huyện.
Hiên ngang trong khói lửa chiến tranh
Ngày 7 tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nhân dân tỉnh ta nói riêng và người dân xã Lương Ninh nói chung phải đối mặt với sự khốc liệt của chiến tranh. Ngày đó, không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt, không có ngày nào là không có tiếng bom đạn, mấy trăm nóc nhà đều bị chiến tranh tàn phá. Nhưng không vì thế mà phong trào học BTVH ở làng Văn La bị ảnh hưởng, lớp học vẫn được duy trì khi các giáo viên vẫn kiên trì bám lớp, bám làng.
Các thầy cô giáo đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, sự ác liệt của chiến tranh với quyết tâm dạy thật tốt, học thật tốt. Những năm tháng ấy, mỗi thầy, trò ở lớp BTVH này đều là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-giáo dục, việc dạy và học cũng là nhiệm vụ mà cách mạng cần.
Ông Tuần nhớ rất rõ lớp học thời ấy chỉ là những nhà hầm làm bằng tranh tre tạm bợ được lát ván xung quanh, nhiều khi không có bảng đen, bàn ghế, nhưng chung quanh đều có hệ thống hầm hào khá kiên cố để hạn chế thương vong cho thầy và trò khi địch đánh phá. “Có hôm, thầy trò đang say sưa giảng bài thì bỗng nghe tiếng máy bay quần thảo, ngay lập tức cả thầy và trò liền chui xuống hầm để tạm lánh khi nào ngớt tiếng súng bắn trả máy bay của bộ đội ta thì lại lên học bài”, ông Tuần nhớ lại.
Những năm tháng sau đó, chiến tranh ngày càng tàn khốc, người dân phải đi sơ tán. Cả gia đình, con cái, nhà cửa đều chuyển đến nơi sơ tán khá xa nhưng đến buổi vẫn trở về lớp để tiếp tục học tập. “Ngày ấy nhờ sự động viên của các thầy cô giáo nên tui không còn sợ gì hết, đến buổi học vẫn về địa điểm lớp học trước đây để tiếp tục học chữ. Mỗi lần thầy trò gặp nhau là lại động viên nhau tiếp tục bám lớp với mong muốn thoát cảnh mù chữ, nâng cao trình độ để sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, một học sinh tham gia học BTVH thời bấy giờ kể. Cứ thế, mặc cho địch cày đi, xới lại nhưng phong trào BTVH ở Văn La vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.
Ông Hoàng Minh Luyên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lương Ninh thời điểm đó khẳng định, nhờ có tổ giáo viên BTVH Văn La mà trình độ nhận thức của người dân đã được nâng lên đáng kể, trong nông nghiệp bà con đã biết tính toán hợp lý, cán bộ có thêm trình độ để làm tốt công việc của mình góp phần thúc đẩy lao động sản xuất, đời sống của người dân cũng có nhiều thay đổi rõ rệt khi nhiều năm liền Lương Ninh luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất.
“Có rất nhiều địa phương trong cả nước tổ chức phong trào học BTVH nhưng khi chiến tranh xảy ra thì phong trào BTVH đều tan rã. Riêng tại Văn La dù chiến tranh có tàn phá, hủy hoại như thế nào thì phong trào BTVH vẫn được duy trì”, ông Luyên nói. Năm 1967, tổ giáo viên BTVH Văn La đã vinh dự được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục là ông Hồ Trúc về thăm. Đến năm 1968, dù đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhưng ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn về thăm và khen thưởng đối với phong trào BTVH tại thôn Văn La.
“Năm 1968 tôi cũng đã vinh dự được cử ra Hà Nội để báo cáo thành tích về phong trào BTVH và nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước nhưng vì chiến tranh quá khốc liệt nên đã bị hoãn lại”, ông Luyên bày tỏ.
Lan Chi/Báo Quảng Bình