Chuyện lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga
Cuộc đời Hoàng hậu Dương Vân Nga đi bên cạnh hai hoàng đế, ở vị trí nào bà cũng làm tròn vai trò của người vợ, bậc mẫu nghi thiên hạ, đóng góp không nhỏ cho sự thịnh trị của hai vương triều Đinh – Tiền Lê.
Cộng đồng mạng đang xôn xao về tạo hình hoàng hậu Dương Vân Nga của siêu mẫu Thanh Hằng trong phim mới Quỳnh Hoa Nhất Dạ. Thực tế lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga như thế nào?
Tạo hình hoàng hậu Dương Vân Nga của siêu mẫu Thanh Hằng trong phim mới Quỳnh Hoa Nhất Dạ. |
Mời các bạn tham khảo bối cảnh lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga qua bài viết trên cổng thông tin Bảo tàng lịch sử Việt Nam dưới đây:
Năm 979 Vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám hại. Tiên đế băng hà, tình hình trong nước rối loạn, các quan trong triều cho rằng “nước không thể 1 ngày không có vua” do đó đã rước Vệ Vương Toàn, con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga lên làm vua, Hoàng Hậu Dương Vân Nga được đưa lên làm Hoàng Thái hậu.
Tuy nhiên do vua đang ít tuổi (6 tuổi), Hoàng Thái hậu lại không đủ sức nhiếp chính nên thập đạo tướng quân Lê Hoàn tự xưng là Phó vương, đứng ra nhiếp chính thay vua.
Nghe tin Lê Hoàn lộng quyền các thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã dấy binh khởi nghĩa. Thái hậu lo sợ bảo Lê Hoàn rằng “Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau”.
Lê Hoàn tâu rằng “Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết thế nào đều phải gắng sức đảm đương trách nhiệm. Xin Thái hậu cứ yên lòng”.
Lúc này thế lực của Lê Hoàn rất mạnh, ông đã chấn chỉnh quân đội rồi đánh nhau với Nguyễn Bặc và Đinh Điền ở Tây Đô. Nguyễn Bặc và Đinh Điền thua, chạy lên thúc Phạm Hạp đưa quân thủy ra đánh. Lê Hoàn nhân lúc có nhiều gió liền phóng lửa đốt các chiến thuyền. Đinh Điền bị chém tại trận, Nguyễn Bặc thì bị đóng cũi giải về kinh, Phạm Hạp cũng bị bắt ngay sao đó, nhờ vậy mà tình hình mới tạm yên.
Cũng nhân lúc triều đình nhà Đinh có chuyện, nhà Tống cũng có âm mưu xâm lược nước ta.
Đền thờ vua Lê Đại Hành tại làng Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. |
Khi quân Tống kéo đến biên giới nước ta, tình thế cấp bách “Thái Hậu liền sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân”. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng với các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ nói với mọi người rằng “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết giết để chặn giặc ngoài may có chút công lao thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập Đạo làm thiên tử, sau đó xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”. “Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn, khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế”.
Năm 980 Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành. Năm 982 Vua Lê Đại Hành lập Hoàng Thái hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.
Tượng Hoàng đế Lê Đại Hành trong đền thờ tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. |
Tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga trong đền thờ vua Lê Đại Hành tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. |
Việc làm này cả Lê Hoàn và Dương Vân Nga đều không nhận được sự đồng tình. Ngô Thì Sĩ cho rằng “người cướp ngôi của Vệ Vương (Đinh Toàn con trai Đinh Tiên Hoàng) là Dương Hậu (Dương Vân Nga) chứ không phải Thập Đạo (Tướng quân Lê Hoàn). Cội gốc đã đổ thì cành lá tàn lụi, những điểm khác còn bàn làm gì?. Vệ Vương Toàn không gặp thời, mẫu hậu cải giá, nước không còn ra nước, đem thân theo người, nhà Đinh ít đức, không cò gì để phù trì cho con cháu về sau, đáng thương thay”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng bàn “Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết”.
“Đạo Vợ chồng là đầu của nhân luân, đầu mối của Vương hóa. Hạ Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ ý lấy người đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm Hoàng Hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.
Tuy nhiên lịch sử ngày nay lại tỏ ra cảm thông cho hành động nhường ngôi cho Lê Hoàn cũng như việc 2 người trở thành vợ chồng.
Hình tượng hoàng hậu Dương Vân Nga trên sân khấu (Ảnh minh họa). |
Rằng trong tình thế đất nước lúc đó hết sức cấp bách bởi nguy cơ xâm lược của nhà Tống đã hiện ra trước mắt, Dương Thái Hậu đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy quân dân ta lúc đó đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước.
Tình cảm sâu sắc của hai người được thể hiện ở những chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Hành động bà tự tay khoác áo long bào lên vai tướng quân, việc khi trở thành hoàng đế, vua Lê Đại Hành mang theo bà khi đi đánh Tống, bình Chiêm có thể chứng minh điều này.
Mối tư tình của hoàng hậu Dương Vân Nga đối với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn còn thể hiện rõ nét hơn khi bà đồng ý trở vợ ông. Ngày vua Lê Đại Hành lên đường bình Chiêm bà đã theo ông lên chiến trường, trong khi cung cấm có vô vàn cung tần mỹ nữ có thể sẵn sàng sung sướng được “giúp’ bà thay thế.
Rồi có lần, khi vua Lê Đại Hành thắng trận trở về từ biên ải, “Dương Vân Nga còn mang thuyền rồng ra đón tại phố Bu Gà. Phong tục ăn mừng chiến thắng này còn được lưu truyền đến tận Cách mạng tháng Tám”.
Thái hậu Dương Vân Nga, một con gười nổi tiềng về tài sắc, mạnh mẽ và quyết đoán. Dù lịch sử có đánh giá bà như thế nào đi nữa thì hành động nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là một quyết định đúng đắn đối với vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên hành động của bà ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có những cái nhìn nhau “sử xưa trách – sử nay cảm thông”.
Song có thể nói, cho dù có đánh giá như thế nào đi nữa thì vai trò của bà đối với lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Thân phận bà đi bên cạnh hai người đàn ông – hai hoàng đế, ở vị trí nào bà cũng làm tròn vai trò của người vợ, bậc mẫu nghi thiên hạ, đóng góp không nhỏ cho sự thịnh trị của hai vương triều Đinh – Tiền Lê.
'Lá thư đánh ghen' 66 chữ Nam Phương Hoàng hậu gửi tình nhân của chồng
Dù đau khổ vì chồng trăng hoa, Nam Phương không một lời oán thán, bà chọn gửi lời cảm ơn. Chỉ vài lời dung dị, tinh tế nhưng cũng đủ khiến cho "người thứ ba" hiểu vị trí của mình.
Theo baotanglichsu.vn