Chuyên gia ngôn ngữ "mổ xẻ" hiện tượng "đắng lòng"
Trào lưu sử dụng từ Đắng lòng đang được ưa chuộng trên mạng xã hội |
PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngôn ngữ học PGS TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) để giải đáp về hiện tượng này:
Ông đánh giá như thế nào về cụm từ “đắng lòng” đang trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay?
Việc dùng từ này giống như một số từ mà giới trẻ hay và đã từng sử dụng. Từ “đắng lòng” phản ánh một tâm trạng, một cách ứng xử mới của giới trẻ trong bối cảnh hiện nay.
Từ "đắng" trong tiếng Việt đã được định hình về ngữ nghĩa ai cũng biết, đắng là một vị. Vị đắng ở trong từ điển tiếng Việt được định nghĩa là nó có một cảm giác khó chịu, giống như ăn phải bồ hòn hay mật cá, đem lại cảm giác không thiện cảm. Từ đó mà trong cuộc sống, người ta dùng cụm từ này để ví von về tâm trạng không được vui, có cảm giác đau khổ, khó chịu.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam |
Cụm từ này đang nằm trong xu hướng lạ hóa từ ngữ của giới trẻ. Tuy nhiên, dường như nó đang được dùng để diễn tả mọi tâm trạng. Thường thì những từ được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần mới gây được ấn tượng, chứ nếu nói qua một lần thì chắc sẽ không đọng lại trong trí nhớ. Giới trẻ lại thích sự khác biệt, chơi trội gây ấn tượng, và muốn khác đời, khác người. Và cái khác biệt ấy có thể biểu hiện qua ăn mặc, cử chỉ nhưng cũng có thể qua lời nói.
Hiện, cụm từ “đắng lòng” đang có chiều hướng bị sử dụng với cái nghĩa hơi lệch đi và đang được sử dụng với tần số tương đối nhiều. Cụm từ này thể hiện một tâm trạng, một cách nói về một sự kiện, câu chuyện nào đó. Cũng có thể hiểu theo nghĩa chán chường, đôi khi để bày tỏ một mong muốn chứ không hề cay đắng gì cả. Giới trẻ đang đa dạng hóa nghĩa của cụm từ “đắng lòng”, không chỉ hoàn toàn có nghĩa tiêu cực nữa mà còn có thể dùng để gây ấn tượng, sự chú ý cho câu nói.
Như một hiệu ứng đang lan tỏa, có phát tán rộng như các từ khác trước đây, chắc chắn nó là một trong những "ứng cử viên" trong các từ ngữ được giới trẻ sử dụng nhiều. Bởi nó có tính lạ và tạo ra một cái gì đó mơ hồ về ngữ nghĩa, có thể sử dụng trong nhiều tình huống để có thể gây ấn tượng, chú ý. Và theo tôi, tạo ra một ấn tượng hài hước cũng là một điều kiện giúp cụm từ phổ biến hơn.
Ông có cho rằng mạng xã hội là một công cụ giúp từ này “nổi” lên như hiện nay?
Mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng có ưu điểm là giúp mọi người chia sẻ và giao lưu được nhiều. Nhưng đồng thời, nó cũng là cơ hội để phát tán nhiều thông tin.
Mạng xã hội là một diễn đàn mà không ai cấm ai được, người ta có thể chia sẻ bất cứ cái gì, điều hay lẽ phải hay những điều bực bội, riêng tư. Không có sàng lọc như việc chúng ta đăng một cái gì đó lên một tờ báo chính thống, có sự kiểm chứng.
Và trong mớ hỗn độn đó, người ta tùy hứng đưa ra những “sản phẩm” của họ, nhờ hiệu ứng đám đông các cụm từ như “đắng lòng” được quen dùng, thích nói chơi, chủ yếu là cho vui.
Thực ra, có những từ tếu táo, nói ra như để xả stress, và trong bối cảnh nào đó, ta cũng thông cảm chấp nhận. Nhưng nếu thành trào lưu sử dụng khá rộng và sử dụng làm lệch nghĩa đi thì ta phải xem xét lại.
Mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, nếu có điều tốt thì sẽ lan tỏa rất nhanh, nhưng điều xấu thì cũng chẳng mấy chốc lan ra cả mọi người. Và với giới trẻ thì những điều dở lại được hưởng ứng một cách nhanh hơn.
Vì vậy, cụm từ “đắng lòng” không phải theo xu hướng sẽ được chấp nhận như một từ mới. Nhưng nó đang bộc lộ một sự phá cách của giới trẻ muốn tìm ra một lối nói riêng, tạo ra ấn tượng, nhiều khi cũng phản ánh những trường hợp bế tắc trước một điều gì đó.
Đồng thời, nó cũng phản ánh môt thái độ không nghiêm túc của giới trẻ đối với tiếng mẹ đẻ, bởi người sử dụng tiếng mẹ đẻ cần tôn trọng ngữ nghĩa đã được định hình của nó trong cộng đồng, nhưng đây lại đang phá lệ đó đi chỉ vì họ thích, vì họ khó chịu, muốn tạo ra một hiệu ứng khác đời, vô hình trung kéo thêm người khác vào và làm cho từ ngữ biến dạng về mặt ngữ nghĩa. Điều nay mang lại một hiệu quả không được hay, đúng hơn là làm tiếng Việt bị lệch chuẩn.
Theo ông, đây đã là một vấn đề đáng báo động về ngôn ngữ hay vẫn có thể tạm chấp nhận được?
Phải nói rằng giới trẻ bây giờ có nhiều thú vui, sở thích. Trong đó, có cả cách chơi về ngôn từ. Đầu tiên, là cách nói tếu táo cho vui mà đôi khi người lớn cũng hưởng ứng.
Thực ra, ngôn từ trong quá trình phát triển cũng không phải là “nhất thành bất biến”. Trong một phạm vi, khuôn khổ nhất định nếu phù hợp vẫn có thể chấp nhận được. Và tôi cảm thấy nó vẫn chưa đến nỗi tiêu cực, chỉ là nếu so sánh với ngữ nghĩa ban đầu của nó thì đã có lệch.
Hiện nay nó đã có một giá trị nhất định, sử dụng trong các bối cảnh nó đã tạo ra hiệu ứng tích cực ở chỗ là làm cho người ta cảm thấy thú vị, giới trẻ thì thấy thích như được giải tỏa một cái gì đấy.
Ví dụ như từ "khiêm tốn" bây giờ đã được dùng với nhiều nghĩa hơn ngày xưa. Trước đây khiêm tốn để chỉ phẩm chất của ai đó là nhún nhường, không tự đề cao mình, nhưng bây giờ còn có thể dùng nói tới một điều gì đó nhỏ bé, không đáng kể (như một đồng lương khiêm tốn, một chiều cao khiêm tốn,…)
Hay như từ “vãi” được nhiều người dùng hiện nay, nghe còn có chút gì đó “bụi”, thể hiện thái độ kinh sợ, khiếp, hay thậm chí là nể phục. Ví dụ như: Cầu thủ ấy đá bóng vãi thật! Đấy là một cách dùng từ phải nói là cũng có tính sáng tạo ở đó, một từ nhưng thể hiện được nhiều nghĩa mà người nghe có thể hiểu được.
Một ví dụ nữa là từ “tinh vi”. Trước đây dùng để nói đến những cái gì đó chi tiết và chính xác, ví dụ như đồng hồ tinh vi. Nhưng hiện, từ này đang được dùng để chỉ thái độ của ai đó, gần như là tinh tường, như “dạo này ông ăn nói tinh vi quá!”.
Ông đánh nhận xét gì về ngôn từ của giới trẻ hiện nay?
Giới trẻ bây giờ có những sáng tạo của họ. So với trước đây, giờ người trẻ được tiếp cận hơn với tri thức và công nghệ, nên rõ ràng họ có nhiều thông tin hơn. Họ cũng có sự trưởng thành và tự tin hơn về mặt nhận thức, có thể nói là họ người lớn hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những nhận thức chưa thật sự nghiêm túc, đôi lúc tùy hứng hay phá cách, nhiều khi không cân nhắc mà quá dễ dãi trước các lời nói. Cần phải căn cứ vào bối cảnh giao tiếp khác nhau, chẳng hạn khi chỉ có những người trẻ với nhau ở quán nước thì có thể nói tếu táo với nhau một tí cũng được. Nhưng trong bối cảnh đông người hay có người lớn, hoặc trong một môi trường nghiêm túc, thì việc tếu táo của giới trẻ sẽ gây phản cảm.
Tuy nhiên, dường như giới trẻ đang nói tếu táo, hay thậm chí tục tĩu trong nhiều trường hợp, và cố tình nhân lên để trở thành những hiện tượng.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!