Chuyên gia Nga hé lộ lý do Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), ông Alexei Pushkov đã giải thích ý nghĩa của việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Theo Thượng nghị sĩ Pushkov, những lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga phần nhiều mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. (Ảnh: Izvestia) |
“Việc mua các hệ thống tên lửa phòng không của Nga, bất chấp sức ép và lời đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ (đã tuyên bố nhưng chưa áp dụng), là một minh chứng cho thấy vị trí đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là lời tuyên bố bằng hành động thực tế của nước này về chính sách đối ngoại tự chủ, không phụ thuộc vào liên minh”, ông Pushkov chia sẻ.
Ngoài ra, ông Pushkov nhấn mạnh, sau khi mua S-400 “các đồng minh phương Tây chính thức” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thay đổi thái độ với ông.
“Thông qua việc mua hệ thống vũ khí của Nga, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố mối quan hệ đối tác với Moscow, mối quan hệ không bằng phẳng, có mâu thuẫn, nhưng vẫn duy trì tránh để xảy ra khủng hoảng, qua đó nâng cao uy tín của Ankara trên trường quốc tế”, Thượng nghị sĩ Pushkov nhận định.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar xác nhận việc thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua của Nga ở thành phố Sinop, và gọi đây là kế hoạch theo hợp đồng.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố cảnh báo quốc tế NAVTEX về một cuộc tập trận pháo binh ở khu vực Sinop biển Đen từ ngày 13-17/10. Theo một nguồn tin trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga ở miền bắc đất nước, tất cả các tên lửa được bắn ra đều đánh trúng mục tiêu.
Cũng theo ông Akar, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga không có nghĩa là nước này xa rời với NATO, Ankara vẫn sẵn sàng mua các hệ thống Patriot của Mỹ.
“Việc mua S-400 không phải là sở thích mà là sự cần thiết và không có nghĩa là chúng tôi sẽ xa rời NATO. Nhưng nếu cần và nếu được đảm bảo về chuyển giao công nghệ, sản xuất chung cũng như tiến độ giao hàng, thì chúng tôi có thể mua Patriot hoặc SAMP-T”, ông Akar cho biết.
Thỏa thuận cung cấp 4 sư đoàn S-400 do Nga sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào tháng 9/2017. Giá trị hợp đồng lên tới 2,5 tỉ USD. Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400 km, cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa, UAV...) từ độ cao 5 m đến 27 km.
Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng di động (4 ống phóng/bệ) với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy, đi kèm xe radar đa năng, radar đo độ cao cùng xe điều khiển. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007. Lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019.
Italy và Anh thử nghiệm UAV ‘ngăn chặn’ S-400 của Nga
Mới đây, Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh hợp tác với công ty phát triển Leonardo của Italy để tạo ra một thiết bị có thể “đánh lạc hướng” hệ thống phòng không của đối phương.
Thanh Bình (lược dịch)