Mỹ bất ngờ muốn đàm phán ngay lập tức với Nga về vũ khí hạt nhân
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, Mỹ đánh giá cao việc Nga đạt được tiến bộ về kiểm soát vũ khí hạt nhân và sẵn sàng họp để ký kết thỏa thuận.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington rất biết ơn Moscow vì mong muốn đạt được tiến bộ trong chủ đề vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đưa ra hình thức cuối cùng cho thỏa thuận với Nga về vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi biết ơn Nga vì cố gắng đạt được tiến bộ về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Mỹ sẵn sàng họp ngay lập tức để đưa ra hình thức cuối cùng cho thỏa thuận. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ cử các nhà ngoại giao của mình làm điều tương tự”, RIA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ortagus cho biết.
Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. (Ảnh: RIA) |
Trước đó, hôm 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ để cứu vãn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ, đề xuất gia hạn hiệp ước này ít nhất một năm. “Tôi có một đề xuất, đó là gia hạn hiệp ước hiện tại ít nhất trong một năm mà không có bất cứ điều kiện nào”, ông Putin cho biết trong cuộc họp Hội đồng an ninh Nga.
Tổng thống Putin nhận định Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START) đã hoạt động hiệu quả tính tới thời điểm này. Ông nói rằng sẽ vô cùng đáng buồn nếu hiệp ước đó không còn hiệu lực. Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng thảo luận về các loại vũ khí mới mà nước này đã triển khai trong các cuộc đàm phán vũ khí với Mỹ trong tương lai.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao Nga và Mỹ có những tín hiệu trái ngược nhau về số phận của Hiệp ước START. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau, trừ phi Moscow và Washington đồng ý gia hạn.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau bảy năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Thỏa thuận buộc Nga và Mỹ mỗi năm hai l phảầni trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng.
Vào thời điểm đó, hiệp ước được coi là hy vọng của những nỗ lực tái thiết quan hệ Nga - Mỹ. Tuy nhiên, sau khi ông Putin trở lại điện Kremlin vào năm 2012 thì căng thẳng giữa hai nước lại nảy sinh. Sau khi cả Moscow và Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 vào năm ngoái, START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất giữa hai nước vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, hôm 13/10, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cho biết nước này “đạt thỏa thuận nguyên tắc” với Nga về gia hạn New START. Tuy nhiên, Nga sau đó bác tuyên bố này của Mỹ. Tổng thống Trump và các cố vấn cho rằng New START không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn.
Chuyên gia đánh giá gì về cơ hội của Mỹ chống lại tên lửa Avangard?
Mới đây, trong bài viết trên tờ National Interest, nhà báo Mỹ Peter Suciu nhận định, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh của Nga có tốc độ gấp 27 lần tốc độ âm thanh và có khả năng cơ động cao nên rất khó đánh chặn.
Thanh Bình (lược dịch)