Chuyên gia dịch tễ: Ca mới đã giảm mạnh, Hà Nội nên cho học sinh đến trường
Dịch đã được kiểm soát, số ca mắc giảm đáng kể, nhiều bậc phụ huynh Hà Nội quan tâm nhất lúc này là khi nào học sinh được quay trở lại trường học.
Đề xuất cho học sinh đi học lại
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trước tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các ca mới mắc trong ngày giảm rõ rệt, Hà Nội nên cho học sinh quay trở lại trường học.
Theo ông Nga, trẻ ở lâu quá trong nhà cũng không tốt, nhất là học sinh tiểu học, học sinh lớp 1 phải học online. Điều này không chỉ khiến chất lượng học tập không cao mà còn ảnh hưởng tới thị lực của trẻ.
Hà Nội có thể mở lại trường học ở những huyện ngoại thành trước, bởi hầu hết cha mẹ trẻ, người lớn, giáo viên đã được tiêm vắc xin rồi. Dẫu hiện nay trẻ em chưa được tiêm vắc xin nhưng tỷ lệ mắc thấp hơn người lớn và tỷ lệ tử vong là rất thấp.
“Trẻ em ít bị nhiễm, nếu nhiễm thì cũng nhẹ, chỉ trừ những em béo phì, bệnh phổi mãn tính hay các bệnh nền khác còn những em khoẻ mạnh hầu như ít bị. Tổng kết tình hình dịch của nước ta từ đầu vụ dịch đến nay cho thấy số bệnh nhân ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi chiếm khoảng 15% và tỷ lệ tử vong chiếm 0,4%”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.
Ông Nga cũng cho rằng khi các trường mở cửa trở lại, tuỳ theo điều kiện từng gia đình mà có các phương án phù hợp. Nếu gia đình có điều kiện thì nên đón trẻ về buổi trưa nhằm giảm tiếp xúc, giảm mật độ ở lớp học. Em nào buộc phải ở lại thì nhà trường cũng nên tính toán đảm bảo an toàn.
“Việc này tuỳ theo mỗi trường căn cứ vào mật độ học sinh trong lớp học, trong nhà trường. Nếu không đảm bảo được giãn cách thì nên chia ca học. Tất nhiên việc chia ca lớp học sẽ khiến giáo viên mệt hơn.
Nói chung, tuỳ tình hình cụ thể, mỗi trường nên xây dựng kế hoạch để y tế địa phương góp ý. Vì mỗi trường có điều kiện khác nhau, việc đưa ra một phương án an toàn khi trường mở cửa trở lại có một phần trách nhiệm của y tế phường, y tế quận. Họ phải có góp ý, tham vấn vào bản kế hoạch của nhà trường”, ông Nga nhìn nhận.
Ông Nga nhấn mạnh, về nguyên tắc nên cho các em đi học lại. Thực tế một số địa phương như Hải Phòng, Hà Tĩnh cũng đã cho các em quay lại trường, đến nay đã học được trên dưới một tháng nhưng chưa xảy ra chuyện gì.
Ảnh minh họa |
Cần lưu ý gì khi học sinh quay lại trường
Bên cạnh việc đề xuất cho học sinh trở lại trường, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý khi đến trường, các em phải đeo khẩu trang, nhà trường phải bố trí ngồi giãn cách, hướng dẫn các em không nói chuyện ở trong lớp, không tụ tập ngoài sân.
Đặc biệt tại Hà Nội đã bắt đầu đến mùa lạnh, nhà trường không nên bật điều hoà mà phải mở cửa, bật quạt thông thoáng lớp học. Tại các trường cần bố trí y tế túc trực toàn thời gian.
Trao đổi thêm về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc mở cửa trở lại trường học cũng tiềm ẩn nguy cơ, ví dụ điển hình là ổ dịch tại trường học được ghi nhận ở Hà Nam vừa qua.
"Khi chưa bao phủ vắc xin cho trẻ em, điều quan trọng nhất là đảm bảo tuân thủ 5K trong và ngoài nhà trường. Đồng thời giám sát phát hiện và thông báo sớm các trường hợp trẻ ho, sốt hoặc gia đình trẻ có người ho, sốt. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh có vai trò rất quan trọng", ông Hùng phân tích.
Do đó, theo chuyên gia này việc mở cửa trở lại trường học cần phải có những quy định, tiêu chí rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Cụ thể đối với nhà trường: Xây dựng nội quy an toàn phòng, chống dịch. Nội quy này được gửi đến bố mẹ học sinh và dán ở cửa mỗi phòng học; Chỉ cho phép những giáo viên, nhân viên phục vụ trong trường học được đến trường khi đã được tiêm vắc xin.
Tổ chức kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát việc mang khẩu trang và khử khuẩn tay tại cổng trường, trước khi học sinh vào trường. Những học sinh có ho, sốt hoặc không mang khẩu trang, không khử khuẩn tay không được vào trường. Phương tiện vệ sinh tay phải luôn có sẵn ở mọi lớp học, nơi vệ sinh.
Sau mỗi buổi học phải lau khử khuẩn bàn ghế, sàn nhà, cửa sổ cửa ra vào.
Đảm bảo giữ khoảng cách trong và ngoài lớp học. Mỗi bàn chỉ bố trí tối đa 2 học sinh, có đánh số vị trí ngồi rõ ràng…
Đối với học sinh: Phụ huynh phải thực hiện khai báo y tế cho học sinh hoặc giám sát học sinh khai báo y tế. Hình thức khai báo y tế theo quy định chung. Cam kết không để học sinh đến trường nếu học sinh hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt.
“Các bậc phụ huynh cần trang bị khẩu trang, dung dịch cồn sát khuẩn cho học sinh. Đảm bảo học sinh luôn mang khẩu trang khi từ nhà tới trường và ngược lại, không đến khu vực đông người”, PGS. TS Việt Hùng lưu ý.
N. Huyền