Chuyển đổi và thích ứng nhanh trong đại dịch, doanh nghiệp bán lẻ thắng lớn
Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhưng đại dịch đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch, thích ứng nhanh từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại đã giúp ngành bán lẻ lại tăng trưởng mạnh mẽ...
Chuyển đổi và thích ứng nhanh trong đại dịch, doanh nghiệp bán lẻ thắng lớn |
Do một số địa phương thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những tháng gần đây giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 2/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% và tăng 6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 101,1 nghìn tỷ đồng, giảm 17,8% và giảm 1,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% và giảm 5,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,1% và tăng 4,2%.
Dịch Covid -19 bùng phát đã tác động sâu rộng tới nền kinh tế, làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải nắm bắt và có sự chuyển hướng kịp thời để thích nghi với tình hình mới. Giữa bối cảnh đó, chuyển đổi số được coi là “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu nguồn lực, ổn định hoạt động, vững vàng vượt “bão dịch”.
Cục thống kê Vĩnh Phúc cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 35.423,9 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 31.712,9 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đây có thể coi là một trong những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Vĩnh Phúc.
Để có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của tỉnh trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, không thể thiếu được sự nhanh nhạy trong việc thay đổi thích ứng với tình hình mới của các đơn vị bán lẻ.
Đặc biệt là việc chủ động tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh, hay còn được gọi là chuyển đổi số. Đây được coi là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại. Nắm bắt sự dịch chuyển này, các công ty có kênh bán lẻ như Tập đoàn Masan (MSN) với chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart/Vinmart+, hay CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đang đi đầu trong xu hướng này với kết quả hoạt động tốt, tăng trưởng mạnh hơn so với toàn ngành.
Đây là những doanh nghiệp sở hữu kênh thương mại hiện đại (siêu thị, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử) tăng trưởng mạnh mẽ do các biện pháp giãn cách xã hội.
Hơn nữa, xu hướng tiêu dùng kênh thương mại hiện đại này tại khu vực đô thị đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tăng thị phần trong giai đoạn đại dịch.
Sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về triển vọng kinh doanh của hai “ông lớn” bán lẻ hàng tiêu dùng là Masan và Bách Hóa Xanh đã thể hiện rõ thông qua việc cổ phiếu của các doanh nghiệp này trở thành những mã tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua, cho dù xen kẽ vào đó cũng có những phiên mất giá mạnh (điển hình như cổ phiếu MWG trong phiên 19/7).
3 tỷ phú ngành hàng tiêu dùng đang kiếm được bộn tiền 'nhờ' dịch Covid-19. |
Theo thống kê từ đầu tháng 5/2021 (thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư) đến thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã tăng 16,8%. Qua đó, tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cũng tăng thêm 1.500 tỷ đồng kể từ đầu tháng 5. Với tỷ lệ nắm giữ 13,37% cổ phần tại MWT, hiện tại giá trị cổ phiếu MWG do ông Tài nắm giữ tương đương 10.461 tỷ đồng, giúp ông trở thành người đứng thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Thậm chí, có thời điểm cổ phiếu MWG đạt đỉnh 176.600 đồng/cp (phiên 12/7), giá trị tài sản của ông Nguyễn Đức Tài lên đến 11.224 tỷ đồng, tăng gần 2.300 tỷ đồng so với đầu tháng 5.
Cùng thời điểm trên, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã tăng thêm 25,58%. Thậm chí, chốt phiên gần nhất, ngày 20/7, MSN đạt mức giá kỷ lục 123.000 đồng/cp. Đây cũng chính là cổ phiếu hot nhất trên thị trường trong giai đoạn vừa qua.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, MSN đã đem lại cho ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang thêm 6.608 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị cổ phiếu MSN do ông nắm giữ lên 31.261 tỷ đồng, đứng thứ năm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Cùng với đó, cổ đông lớn Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) cũng có thêm 6.387 tỷ đồng trong giai đoạn này nhờ vào MSN, nâng giá trị cổ phiếu MSN do vị đại gia này nắm giữ lên con số 30.417 tỷ đồng. Hiện ông Hồ Hùng Anh đang đứng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản hơn 32 nghìn tỷ đồng (tính cả cổ phiếu TCB).
Hiền Anh
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bất ngờ thị trường, 4 tỷ phú giàu nhất bội thu, cổ phiếu họ FLC tưng bừng hai phiên rồi tụt dốc
Dù thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp nhưng điểm nhấn trong tuần là các cổ phiếu họ FLC đã có những phiên giao dịch bùng nổ khi đồng loạt tăng trần làm nức lòng các nhà đầu tư ưa mạo hiểm.