Chuyến bay vào vũ trụ của người giàu nhất hành tinh bị gọi là 'PR giả tạo'
Theo Business Insider, nhà sáng lập Amazon, giàu nhất thế giới Jeff Bezos chỉ “giả vờ quan tâm đến con người và khí hậu”.
Đồng thời tờ báo này còn gọi chuyến bay của các tỷ phú vào không gian một màn “PR giả tạo”.
Theo Business Insider, trước đây, ông Bezos đã nhiều lần công khai ủng hộ ý tưởng thuộc địa hóa không gian, giải thích điều này là do nguồn tài nguyên hạn chế của trái đất sẽ không thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người.
Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos. (Ảnh: AP) |
Đồng thời, tỷ phú này cũng chú ý đến môi trường. Trên Twitter cá nhân, ông viết rằng nhân loại cần được đưa vào không gian để cứu Trái đất và biến nó thành một công viên quốc gia khổng lồ. Doanh nhân này thậm chí đã quyên góp 10 tỉ USD để chống lại biến đổi khí hậu, và vào năm 2020 đã mua bản quyền tên của nhà thi đấu thể thao Seattle để sau đó đổi tên thành Climate Pledge Arena để nhắc nhở về những lo ngại về môi trường.
Bất chấp hình ảnh tích cực, Business Insider vẫn so sánh ông Bezos với một “người khai hoang”, sau khi cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và di chuyển từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác.
Business Insider cho rằng, với hành vi này, tỷ phú Bezos giống với các tỷ phú khác - người sáng lập Tesla Elon Musk và doanh nhân Richard Branson, người cũng đã bay vào vũ trụ gần đây. Cả ba đều nói về tầm quan trọng của việc giải quyết biến đổi khí hậu, nhưng bản thân họ đang tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp sử dụng nhiều carbon.
Những người sở hữu khối tài sản lớn sẽ cố gắng thuyết phục nhân loại rằng sự giàu có của họ không chỉ hợp pháp mà còn mang lại lợi ích cho con người. Business Insider cho biết chuyến bay của ông Bezos vào không gian là một trong những lý lẽ như vậy.
Mới đây, hôm 20/7, người sáng lập Amazon đã bay thành công vào vũ trụ và trở về trái đất an toàn trên tàu vũ trụ New Shepard của công ty Blue Origin do chính ông sở hữu.
Chuyến bay ngoài Jeff Bezos còn có em trai Mark Bezos, phi công kỳ cựu Wally Funk và sinh viên 18 tuổi người Hà Lan Oliver Daemen. Chuyến bay kéo dài khoảng gần 11 phút kể từ thời điểm cất cánh cho đến khi hạ cánh. Con tàu đưa các hành khách lên độ cao 107 km từ bãi phóng ở phía Tây bang Texas (Mỹ) trước khi trở về Trái đất an toàn.
Sau đó, ông Bezos cảm ơn các nhân viên và người dùng Amazon đã trả tiền cho chuyến bay, điều này đã gây ra phản ứng trái chiều từ các nhân viên của công ty. Nhiều người trong số họ cho biết họ muốn thấy điều kiện làm việc tốt hơn chứ không phải một chuyến du hành vũ trụ cho một nhà lãnh đạo.
Trên Twitter, cư dân mạng mỉa mai ông “thiếu tế nhị”, đòi được Amazon hoàn tiền. Theo Business Insider, nhiều nhân viên Amazon mong ông trả lương cho họ tốt hơn thay vì cảm ơn suông.
Một nhân viên kho hàng JFK8 của Amazon ở Staten Island (Mỹ) cho biết: “Tôi chẳng quan tâm việc ông ấy vào không gian. Tôi và đồng nghiệp còn đùa rằng ông ấy nên sống luôn ở sao Mộc”.
Trước đó, ông Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000 với mục tiêu phát triển chuyến bay vũ trụ dưới quỹ đạo, mục tiêu sau này mở rộng sang chuyến bay quỹ đạo và thậm chí là phát triển tàu đổ bộ mặt trăng, Blue Moon. Một phần trong mục tiêu của Blue Origin là cho phép du lịch không gian tư nhân.
Nạn nhân trong vụ sập nhà ở Florida, Mỹ được bồi thường như thế nào?
Thân nhân của những người thiệt mạng và bị thương trong vụ sập tòa nhà chung cư ở Surfside gần Miami (Florida, Mỹ) sẽ nhận được khoản bồi thường với số tiền ít nhất là 150 triệu USD.
Thanh Bình (lược dịch)