Chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ và cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin
60 năm trước, ngày 12/4, Yuri Gagarin đã đi vào lịch sử nhân loại khi được công nhận là người đầu tiên bay vào vũ trụ. Nhưng nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông vẫn là một bí ẩn đến tận ngày nay.
Ngày 12/4/1961, Liên Xô đã ghi tên mình vào lịch sử nhân loại khi trở thành quốc gia đầu tiên khai phá vũ trụ. Người thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy không ai khác, chính là người hùng Yuri Gagarin, khi ông thực hiện chuyến bay dài 108 phút ngoài không gian trên con tàu Phương Đông 1.
Vậy mà chỉ vỏn vẹn 7 năm sau ngày lịch sử huy hoàng ấy, người hùng Yuri Gagarin đã ra đi trong một vụ tai nạn đầy bí ẩn, cho tới giờ đó vẫn còn là một uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Yuri Gagarin - con trai người thợ mộc
Trước khi trở thành anh hùng Liên Xô được người dân yêu mến hết mực, trở thành nhân vật được cả thế giới ngưỡng mộ, Yuri Gagarin đơn giản là con trai của một người thợ mộc.
Ông sinh ra ngày 9/3/1934, và lớn lên tại ngôi làng Klushino bình dị ở Smolensk, miền Tây Liên Xô cũ.
Năm 16 tuổi, Yuri Gagarin chuyển đến thủ đô Moskva để học việc làm thợ đúc trong một xưởng đúc kim loại ở Lyubertsy.
Cơ duyên sải cánh trên bầu trời đến với chàng trai trẻ khi anh nhập học trường kỹ thuật ở Saratov.
Tại đây, anh tham gia một câu lạc bộ bay và lần đầu tiên có được trải nghiệm phóng khoáng từ trên cao.
Yuri Gagarin quyết định thi vào trường Sĩ quan Không quân Liên Xô để hiện thực ước mơ bay nhiều hơn nữa trên bầu trời
Năm 1957, ở độ tuổi 23 đầy sức sống, Yuri Gagarin tốt nghiệp xuất sắc và trở thành phi công chiến đấu chính thức.
108 phút thay đổi thế giới
Đầu thập niên 60, Yuri Gagarin may mắn nằm trong số 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô, được chính phủ tuyển chọn từ 3.000 học viên quân sự xuất sắc nhất, từ đó đào tạo cho họ các sứ mệnh mà chưa một quốc gia nào trên thế giới nghĩ đến: Bay vào vũ trụ!
Không phụ lòng mong đợi của chính phủ, Yuri Gagarin đã làm nên lịch sử sau khi hoàn thành sứ mệnh vòng quanh Trái Đất trong 108 phút trên con tàu vũ trụ Phương Đông 1 (Vostok 1).
Sự kiện này đã giúp Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa người thoát khỏi lực hút của Trái Đất, sải cánh ra ngoài không gian rộng lớn.
Khoảnh khắc ấy cũng đưa Gagarin trở thành gương mặt đại diện cho sự thành công của ngành công nghiệp vũ trụ Liên Xô cũ. Khi ấy, Gagarin mới 27 tuổi.
Hình ảnh nụ cười chiến thắng của ông được phát sóng trên tất cả các kênh truyền hình, đăng tải trên khắp các mặt báo. Chiến tích của ông đưa Liên Xô trở thành cường quốc số 1 trong việc chinh phục vũ trụ.
Từ hào quang đến nước mắt
6 năm sau chiến tích lẫy lừng, ngày 24/3/1967, ngành hàng không Liên Xô chứng kiến một trong những thảm kịch kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử.
Tàu vũ trụ Soyuz-1 khi ấy, trong một lần thực hiện sứ mệnh kết nối 2 tàu vũ trụ trong quỹ đạo Trái Đất đã thất bại ngay ở lần phóng đầu tiên, khiến phi hành gia Vladimir Komarov - bạn thân của Yuri Gagarin bị tử nạn.
Quá đau buồn trước sự mất mát, Yuri Gagarin tìm đến rượu. Ông rời xa buồng ghế lái, đắm chìm trong sự đau khổ suốt hơn 1 năm, nhưng vẫn không thể quên được khát khao trải cánh trên bầu trời rộng lớn.
Ngày 27/3/1968, tức hơn một năm sau cái chết của người bạn thân, Yuri Gagarin trở lại đường bay với nhiệm vụ huấn luyện một phi công lái thử trên chiếc tiêm kích phản lực thế hệ thứ nhất MiG-15.
Vài phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Chkalovsky ở gần Moscow, Gagarin bất ngờ đưa thông báo cho kiểm soát mặt đất là họ sẽ quay về căn cứ.
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, người ta đã mất toàn bộ liên lạc với chiếc phi cơ của Gagarin.
Sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, nhà chức trách đã cử một đội tìm kiếm gồm máy bay cánh cứng và máy bay trực thăng. Bốn tiếng sau đó, xác của chiếc máy bay gặp nạn đã được tìm thấy gần thành phố Kirzhach, cách thủ đô Moscow 133km.
Nơi máy bay rơi là một đống hỗn độn và thi thể của 2 phi công đã bị hủy hoại hoàn toàn. 7 năm sau sứ mệnh lịch sử, Yuri Gagarin vĩnh biệt thế giới trong nước mắt, khi ông vẫn còn quá trẻ ở tuổi 34.
Bí ẩn cái chết 60 năm vẫn chưa có câu trả lời
Cái chết đầy uẩn khúc của một phi công lão luyện đã khiến dư luận đặt ra hàng loạt giả thuyết khác nhau.
Vitaly Zholobov, một nhà du hành vũ trụ Liên Xô cho rằng người phi công lái chiếc MiG-15 đã bị một cơn đau tim, khiến ông bất tỉnh, và gây ra hậu quả nặng nề.
Trong khi đó, Igor Kuznetsov - một phi công tham gia điều tra về cái chết của Gagarin, tin rằng áp suất trong buồng lái bất ngờ giảm làm cả 2 phi công cùng thiệt mạng. Một số người tin rằng khi ở độ cao 4.000m, hai phi công bắt đầu bị giảm áp suất và mất độ cao, sau đó họ ngất lịm đi và mất kiểm soát đối với máy bay
Valentin Kozyrev, một kỹ sư về phản lực thì quả quyết rằng động cơ của chiếc phản lực MiG-15 bị hỏng khiến máy bay lao cắm đầu xuống. Các phi công đã bị choáng bởi sự thay đổi của áp suất, và không thể ngăn cản vụ tai nạn.
Alexei Leonov - một người bạn du hành của Gagarin lại cho rằng một động tác bay thiếu cẩn thận của một phi cơ khác đã vô tình gây ra cái chết cho cả Gagarin và phi công thử lái. Cụ thể khi chiếc máy bay kia bay lướt qua phi cơ của Gagarin ở tốc độ siêu âm, nó đã khiến cho chiếc MiG-15 bị chúc đầu xuống.
Alexander Stepanov - một quan chức thuộc cơ quan Tàng thư Tổng thống thì cho rằng lý do khả dĩ nhất cho thảm kịch này là động tác ngoặt gấp máy bay để tránh va chạm với một khí cầu thời tiết, và điều này khiến cho máy bay bị lộn vòng.
Thế nhưng trong mọi lập luận, người ta không thể lý giải được một chi tiết rằng tại sao bộ đàm trên chiếc MiG-15 lại tắt. Càng khó hiểu hơn khi tại sao nó lại đến vào đúng 1 năm sau khi ngành hàng không Liên Xô chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc của tàu Soyuz 1. Liệu mọi thứ có quá trùng hợp?
Đến nay, sau 6 thập kỷ của tiến bộ khoa học và kĩ thuật, người ta vẫn chưa thể làm sáng tỏ cái chết của Yuri Gagarin và người đồng hành. Vụ tai nạn vẫn còn chứa nhiều uẩn khúc mà công chúng mãi không tỏ tường.
Dẫu vậy, Yuri Gagarin vẫn mãi là cái tên đáng nhớ của lịch sử ngành hàng không, vũ trụ nói chung, và được coi là hiện thân cho sức mạnh quốc gia, là niềm tự hào dân tộc của Liên Xô cũ nói riêng.
Minh Khôi/dantri.com.vn