Chương trình khung giáo dục phổ thông mới sẽ được ban hành vào tháng 10
GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích về chương trình giáo dục phổ thông mới |
Ngày 29/9, trao đổi với phóng viên báo chí khu vực phía Nam, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết, tất cả chương trình môn học đã được hội đồng thẩm định thông qua. Trong tháng 10, Bộ sẽ ra thông tư ban hành chương trình mới này.
Sau khi chương trình môn học ban hành, Bộ sẽ chỉ đạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo hướng công khai, tiếp đó sẽ có Hội đồng thẩm định sách giáo khoa do Bộ và các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.
Sau khi thẩm định xong, Bộ sẽ làm hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Tiếp đến, Bộ sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách. Sau đó, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ còn phải hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án cơ sở vật chất sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ông Lộc cho biết: “Với một khối lượng công việc như thế, sau khi ban hành thông tư về chương trình khung, Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng về lộ trình áp dụng chương trình sao cho phù hợp nhất, phải đảm bảo chương trình có chất lượng. Và điều quan trọng là phải đảm bảo thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới mà Quốc hội cho phép trong nghị quyết 51 (chậm nhất là vào năm học 2020 - PV)”
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho biết, hiện nội dung chương trình khung giáo dục phổ thông mới đã được chuyển sang các cơ quan của Bộ để ban hành thông tư và chắc chắn sẽ ban hành trong tháng 10. Trước khi ban hành thông tư, Bộ sẽ có văn bản kêu gọi các cá nhân có nguyện vọng viết sách giáo khoa đăng ký và tổ chức tập huấn cho các đơn vị, cá nhân tiến hành viết sách dựa trên nội dung chương trình đã công bố.
Trước câu hỏi của phóng viên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo viết sách giáo khoa, đồng thời Bộ cũng là đơn vị tham gia phê duyệt sách giáo khoa như vậy có phải là “vừa đá bóng, vừa thổi còi không”, GS Thuyết cho biết, sở dĩ Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng là để tránh rủi ro, đề phòng trường hợp khi triển khai chương trình mới không có đủ sách cho tất cả các môn học, các cấp học.
GS Thuyết khẳng định, Bộ không trực tiếp viết sách giáo khoa mà tuyển chọn các cá nhân, đơn vị để giao nhiệm vụ này, vì thế không thể nói Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Được biết, tháng 11/2017, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.