Chứng khoán tuần mới: Trót đu đỉnh bất động sản, nín thở chờ Tân Hoàng Minh
Giới đầu tư chứng khoán trót “đu đỉnh” với cổ phiếu bất động sản đang nín thở chờ đợi động thái tiếp theo của Tân Hoàng Minh trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, để xác định 'một mất một còn'
Cơn sốt bất động sản đất nền trên khắp cả nước đã lan sang sàn chứng khoán với việc tranh mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trong khoảng một tháng gần đây, sau phiên đấu giá đất vô tiền khoáng hậu đối với 04 lô đất tại KĐT Thủ Thiêm, TP.HCM.
Thành bại bởi... Tân Hoàng Minh
Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, tuần đầu tiên của năm mới 2022, một loạt cổ phiếu bất động sản trở thành trụ đỡ cho thị trường với những phiên tăng trần. CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O tăng 30,5%, LDG của CTCP Đầu tư LDG tăng 26,97%, CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM tăng 24,78%, DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng tăng 21,1%, GEX của CTCP Tập đoàn GELEX tăng 20,5%, VCG của Vinaconex tăng 8,1%, KDH của Nhà Khang Điền tăng 11%,…
Cổ phiếu bất động sản góp công lớn đưa thị trường chứng khoán khởi đầu năm mới 2022 với sắc xanh và vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu bất động sản nào cũng tăng giá trong tuần qua. Cùng sở hữu quỹ đất tại Thủ Thiêm như CII, nhưng cổ phiếu của Novaland (NVL) và Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) lại lần lượt giảm giá 5% và 2,3% do cả hai đã tăng quá nóng suốt thời gian dài.
Giới đầu tư chứng khoán đang dồn sự chú ý về Thủ Thiêm. |
Giới đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng nhưng cũng vô cùng hồi hộp về diễn biến của thị trường nói chung và cổ phiếu bất động sản nói riêng trong tuần tiếp theo, 10-14/01. Trong đó “ngày phán quyết” được xác định ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, 10/01/2022.
Nguyên nhân là bởi đây là thời hạn cuối cùng để xác định Tập đoàn Tân Hoàng Minh có bỏ cọc sau phiên đấu giá đất lịch sử ngày 10/12/2021 hay không.
Tân Hoàng Minh và 03 doanh nghiệp khác đã trúng đấu giá 04 lô đất tại KĐT Thủ Thiêm, TP.HCM, với tổng diện tích 30.000m2, giá trị 37.346 tỷ đồng.
Theo quy chế cuộc đấu giá tài sản được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM ban hành, và khách hàng tham gia đấu giá đã chấp thuận, trình tự thu số tiền đấu giá 37.346 tỷ đồng, sẽ thực hiện tuần tự bao gồm:
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Sau thời hạn tối đa 5 ngày quy định, nếu người trúng đấu giá không thực hiện ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thì coi như đã từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước cho lô đất đấu giá.
Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán cho ngân sách nhà nước 50% số tiền mua tài sản. 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại.
Như vậy nếu đúng theo quy định thì khoảng giữa tháng 3/2022, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ nộp đủ số tiền 37.346 tỷ đồng cho ngân sách TP.HCM.
Nhưng trước hết, 10/01 được cho là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp nộp 50% số tiền mua tài sản. Với Tân Hoàng Minh, số tiền phải nộp vào ngày này sẽ là 12.250 tỷ đồng.
Do vậy, giới đầu tư chứng khoán trót “đu đỉnh” với cổ phiếu bất động sản đang nín thở chờ đợi động thái tiếp theo để xác định “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”.
Nếu Tân Hoàng Minh thực hiện đúng quy chế đấu giá, đương nhiên sẽ là cú huých cực lớn đối với thị trường bất động sản, cũng như cổ phiếu bất động sản. Đương nhiên, diễn biến này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán từ nay đến Tết Nguyên đán.
Tân Hoàng Minh có bị “cấm cửa” đấu giá sau khi nhiều lần trúng rồi bỏ cọc?
Trước đó, một vụ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá rồi bỏ cọc đã khiến Tổng Giám đốc một công ty đấu giá phải viết “tâm thư” thuyết phục ông Đỗ Anh Dũng đừng bỏ cọc.
Ông chủ Tân Hoàng Minh lên tiếng
Một thông tin đáng chú ý về tình hình cấp tín dụng liên quan đến việc thực hiện đấu giá. Ngày 04/01, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN yêu cầu Vietcombank báo cáo thực trạng tình hình cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu,…) đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở KĐT Thủ Thiêm trước ngày 07/01/2022.
Nội dung báo cáo gồm: Thông tin khách hàng, thông tin hợp đồng tín dụng, dư nợ đến thời điểm báo cáo. Trường hợp xác định khoản cấp tín dụng cho các khách hàng nêu trên liên quan đến mục đích tham gia đấu giá/đấu thầu các lô đất ở KĐT Thủ Thiêm, đề nghị Vietcombank cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp tín dụng liên quan.
Về phía Tân Hoàng Minh, ông chủ Tập đoàn này vừa tiết lộ với báo chí về siêu dự án tại lô đất đấu giá trị giá 24.500 tỷ đồng. Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Dân Sinh mới đây, đích thân ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, con số 24.500 tỷ đồng không quá cao, nếu nhìn vào mức giá mà doanh nghiệp cạnh tranh là Capital One đưa ra, lên tới 23.800 tỷ đồng. Từ đó, ông khẳng định, doanh nghiệp của mình đã trả đúng giá, chứ không hề phá giá.
Ông Dũng tiết lộ, Tân Hoàng Minh sẽ xây ở đó một tòa nhà có tên là D'Billionaire - tòa nhà Tỷ phú. "Những người giàu và siêu giàu có nhu cầu và mong muốn được sở hữu một căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đáng sống nhất của thế giới có thể đến đây để mua những căn hộ vài ba triệu đô - một cái giá mà đối với đất nước họ là rất rẻ. Với giới "siêu giàu" thì mức giá vài triệu USD cho một căn hộ không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là phải tạo ra được một sản phẩm xứng tầm để họ cảm thấy hài lòng".
Hiền Anh