Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, tâm điểm ngày 3/2 vẫn là VJC
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,48 điểm còn 928,14 điểm; HNX-Index giảm 1,71 điểm còn 176,24 điểm.
Với việc nhiều nước trên thế giới công bố có dịch, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề, trong đó có cả những doanh nghiệp dịch vụ phục vụ ngành du lịch như ngành hàng không.
Trong phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet tiếp tục rớt giá mạnh với mức giảm 4.700 đồng (3,74%) còn 125.500 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên giảm giá thứ tư liên tiếp đối với VCJ, trong đó có một phiên giảm sàn ngày 31/3.
Với diễn biến giá như trên, trong phiên giao dịch ngày 3/2, tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của Vietjet Air – đã giảm 950 tỷ đồng. Hiện giá trị tài sản của bà Thảo tại VJC là 25.377 tỷ đồng. Tính cả lượng cổ phiếu bà Thảo đang nắm giữ tại ngân hàng HDBank, khối tài sản của bà Thảo hiện trị giá 26.348 tỷ đồng.
Tính chung trong 4 phiên giao dịch vừa qua, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mất đi 4.300 tỷ đồng với cổ phiếu VJC.
Cùng chung 'số phận' như VJC, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng vừa trải qua 3 phiên giảm giá liên tiếp, trong đó có hai phiên giảm sàn vào ngày 30 và 31/1. Sau 3 phiên giảm giá liên tiếp, HVN đã mất đi 17% về thị giá khi chỉ còn 27.250 đồng/cp.
Với diễn biến của dịch virus corona như hiện nay, không chỉ ngành hàng không, nhiều ngành dịch vụ và sản xuất khác cũng sẽ gặp khó khăn khi không thể hoạt động đủ công suất như trước đây.
Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của lưu lượng hành khách hàng không ước tính duy trì ở mức 10%. Trong khi đó, tăng trưởng của sản lượng hành khách hàng không nội địa lại có sự cải thiện, tăng tốc từ 5% trong năm 2018 lên 10% trong năm 2019.
Trước đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới. ACI dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2017-2040 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,8%.
Tuy nhiên, rủi ro hiện hữu là du lịch Việt Nam có mức độ phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai thị trường này chiếm gần 60% tổng lượng khách du lịch tới Việt Nam trong năm 2019.
Một xu hướng đảo ngược bất ngờ từ một trong hai thị trường trên có thể tác động tiêu cực tới sản lượng khách du lịch tới Việt Nam cũng như sản lượng hành khách quốc tế tới Việt Nam bằng đường hàng không, và thực tế đã chứng minh trong những ngày qua bởi dịch bệnh.